Ẩm thực Huế độc đáo và khác biệt
Lễ hội của ẩm thực
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng BTC Festival Huế 2020 thông tin, khác với mọi năm, các hoạt động liên quan đến ẩm thực trong khuôn khổ festival thường là liên hoan, năm 2020, được nâng tầm thành một lễ hội có quy mô, phương thức tổ chức bài bản và tập trung để khẳng định Huế đang gìn giữ một di sản ẩm thực phong phú và một nền văn hóa ẩm thực tinh tế, có thể xem là “kinh đô ẩm thực” đã và đang làm khách du lịch say lòng.
Lễ hội ẩm thực được tổ chức tại Công viên Thương Bạc, bên bờ sông Hương thơ mộng xuyên suốt trong các tối thời gian diễn ra Festival Huế 2020. Lễ hội do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức.
Theo ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, tại lễ hội sẽ xây dựng không gian làm nổi bật văn hóa ẩm thực Huế. Ở đó, toàn bộ là nhà rường, trường lang, bố trí cây cảnh, sinh vật để tái hiện lại một không gian truyền thống Huế như ngày xưa. Tại không gian này là nơi để giao lưu, quảng diễn, chương trình nghệ thuật về ẩm thực, nơi để mọi người dân, du khách đến tìm hiểu về ẩm thực Huế.
Trong các đêm diễn ra lễ hội, sẽ có đêm tái hiện lại một dạ tiệc cung đình thật sự. Tất cả trang phục mà đầu bếp, phục vụ, người thưởng thức mặc phải là những bộ trang phục cung đình xưa. Ngay cả phóng viên tác nghiệp cũng sẽ mặc trang phục truyền thống. Tại không gian đó, công chúng và du khách được trải nghiệm ẩm thực tinh tế, ăn, nói chuyện, trải nghiệm phải chuẩn mực như là đang ở một bữa tiệc cung đình ngày xưa. Hiện nay, BTC lễ hội đang tìm mọi nguồn để có thể thuê và mượn trang phục truyền thống, dự kiến phải lên đến 300 - 500 bộ.
Đêm tiệc thứ hai của lễ hội cũng sẽ có nhiều thú vị, đưa du khách khám phá lại bữa tiệc tại một phủ đệ xưa, như hình thức có một ông đại quan mở tiệc chiêu đãi cho người dân địa phương. Không gian này không bắt buộc phải trang phục xưa, nhưng phải là trang phục dạ tiệc. Cùng với đêm dạ tiệc cung đình, là 2 đêm “đinh” mà lễ hội ẩm thực quyết tâm làm hoàn thiện, bài bản, để hướng đến mô hình khai thác lâu dài.
“Chúng tôi cũng sẽ tái diễn lại nguyên bản và quảng diễn một mâm cơm ngự thiện dâng lên vua sẽ như thế nào, một mâm cơm cho quan lại ăn như thế nào, mâm cơm tổ chức thờ cúng trong cung đình ngày xưa, hay một mâm cơm dân gian của xứ Huế cũng sẽ được giới thiệu đầy đủ nhất. Đây sẽ là không gian “Huế với bốn phương”, dành cho tất cả du khách đến thăm thú và thưởng thức”, ông Lê Tân thông tin.
Được biết, BTC sẽ mời những nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng như Hồ Thị Hoàng Anh, chuyên gia về thực nghiệm ẩm thực cung đình Huế; nghệ nhân Trần Đình Sơn, chuyên nghiên cứu, sưu tầm và đang gìn giữ được những báu vật văn hóa ẩm thực cung đình ngày xưa; Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân; công nương Mai Thị Trà, giáo viên dạy ẩm thực là cháu nội của Hoàng hậu Mai Thị Vàng... để giới thiệu, thực nghiệm ẩm thực, giới thiệu đến công chúng.
Các nghệ nhân giao lưu với công chúng tại Không gian ẩm thực truyền thống và đương đại trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019
Khẳng định thương hiệu
Ông Lê Tân cho hay, lễ hội hướng đến mục đích cao nhất là xây dựng thương hiệu đặc trưng cho ẩm thực Huế và quốc gia. Lễ hội sẽ mang đậm nét hàn lâm, chứ không tổ chức một chương trình theo kiểu hội chợ, đặt nặng kinh doanh.
Ông Huỳnh Tiến Đạt kỳ vọng, tại Festival Huế 2020, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức hàng trăm món ăn, thức uống, thuộc 3 dòng ẩm thực chính của Huế là ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình, ẩm thực chay và nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng khác - những món ngon đã làm nên “văn hóa ẩm thực” cho mảnh đất Cố đô. Trong bối cảnh Huế đang tập trung xây dựng và triển khai đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”, BTC Festival cũng lấy chủ đề này để tổ chức lễ hội ẩm thực nhằm khẳng định thương hiệu kinh đô ẩm thực.
Tại lễ hội sắp đến, sẽ có thêm không gian triển lãm, giới thiệu chuỗi giá trị của ẩm thực, từ nơi sản xuất, nuôi trồng đến bàn ăn. Điều đó cho thấy, ẩm thực Huế cầu kỳ, công phu, đặc trưng, hiếm có… đủ sức để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. “Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để bàn giải pháp triển khai thực hiện “Huế - Kinh đô ẩm thực”; tìm thêm giải pháp quảng bá, giới thiệu ẩm thực. Xác lập thương hiệu kinh đô ẩm thực và lập lại trật tự kinh doanh món ăn cung đình đang có dấu hiệu lạc nhịp”, ông Lê Tân chia sẻ.
Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, ẩm thực là một trong những yếu tố then chốt thu hút du khách. Du lịch sau khi tham quan là sẽ ăn uống, thưởng thức ẩm thực. Tùy vào từng dòng khách sẽ chọn những loại hình ẩm thực khác nhau. Nếu thương hiệu ẩm thực Huế được khẳng định, chắc chắn sẽ trở thành sản phẩm du lịch chứ không phải là dịch vụ bổ trợ như lâu nay.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG