Việt Nam sẽ nỗ lực xây dựng một cộng đồng ASEAN vững chắc và thân thiện. Nguồn: THX/TTXVN

Mong muốn phát triển khu vực

Chủ đề năm 2020 của ASEAN là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Theo đó, Việt Nam bày tỏ mong muốn tăng cường đoàn kết, thống nhất, thúc đẩy năng lực quốc gia và sự phát triển vững mạnh của cộng đồng ASEAN. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết khu vực, kết nối kinh tế và và thúc đẩy nâng cao ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, gắn kết mọi người và lấy người dân làm trung tâm.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam cũng muốn thúc đẩy năng lực của ASEAN trong việc thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và những thách thức mới nổi, đơn cử như cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, hay những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và giới hạn thách thức gây nên bởi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển có thể thích nghi tốt với những tác động từ bên ngoài, cũng như phát triển, thích ứng hiệu quả để giúp ASEAN trở thành một khối khu vực gắn kết.

Quyền chủ tịch khối năm 2020 của Việt Nam sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm và vai trò tích cực của ASEAN trong công tác duy trì hòa bình khu vực, đảm bảo ổn định và an ninh trên cơ sở thúc đẩy tinh thần đoàn kết và thống nhất của khu vực. Việt Nam sẽ nâng cao kết nối khu vực, thúc đẩy khả năng thích ứng và tận dụng cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng lúc làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và kết nối toàn diện giữa khối và các đối tác khác. Các ưu tiên khác của Việt Nam trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020 là nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN, tăng cường quan hệ đối tác thúc đẩy tăng trưởng ổn định và hòa bình với các quốc gia trên toàn thế giới nhằm nâng cao vai trò và đóng góp của ASEAN cho cộng đồng toàn cầu.

Trong công đồng văn hóa – xã hội ASEAN, Việt Nam đề xuất coi trọng sự tham gia của cộng đồng thông qua phát triển nguồn nhân lực, tăng cường giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức và bản sắc của ASEAN, thiết lập cơ chế hợp tác ASEAN để giải quyết vấn đề tin tức giả mạo, đẩy mạnh quản lý thiên tai, thảm họa thiên nhiên... Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh các diễn đàn, thỏa thuận về vài trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh, cũng như vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong cộng đồng khu vực.

Cơ hội tốt để tiếp nối thành công trong quá khứ

Được biết, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, nhưng quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam đã bắt đầu từ trước thời gian này, đơn cử như tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), trở thành quan sát viên của ASEAN từ tháng 7/1992 và tham gia một số hoạt động của khối từ năm 1993.

Quá trình hội nhập của Việt Nam vào ASEAN luôn gắn liền với các chủ trương lớn về chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo xu hướng khu vực hóa ngày càng tăng. Ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đóng một vai trò tích cực trong việc kết nạp Campuchia, Lào, Myanmar, hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm 10 nước trong khu vực Đông Nam Á.

Sự hình thành của ASEAN-10 đã góp phần xây dựng mối quan hệ chất lượng giữa các thành viên theo hướng hữu nghị, ổn định, hợp tác lâu dài và ngày càng toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kết nối khu vực hướng đến mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN.

Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12/1998) với những thành quả quan trọng, đóng góp một phần vào định hướng phát triển của khu vực. Sau thời gian, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, góp phần thúc đẩy văn hóa, góp một bước quan trọng trong mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN năm 2015 và nâng cao vị thế của khu vực trên trường quốc tế.

Như vậy, với vai trò Chủ tịch ASEAN lần này, Việt Nam sẽ đứng trước một cơ hội tốt tiếp theo để tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển của khu vực, thúc đẩy quan hệ của khối với các đối tác toàn cầu.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)