Trung tá, bác sĩ Phạm Thị Thủy khám bệnh cho các can, phạm nhân

Những bệnh nhân “đặc biệt”

Trần Văn Ch. (48 tuổi) trú tại xã Lộc Trì (Phú Lộc) bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh 3 tháng nay vì có liên quan đến vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, khoảng thời gian 10 ngày trở lại đây, Ch. có biểu hiện phù thận. Mọi sinh hoạt, đi lại đối với Ch. hết sức khó khăn. 

Sau khi theo dõi, thăm khám với phác đồ điều trị đặc biệt, đội ngũ nữ y, bác sĩ của Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh nhận thấy, Ch. thường xuyên bị mất ngủ, suy nhược cơ thể…, cần được chăm sóc thường xuyên. Từ đó, các nữ y, bác sĩ đã tăng cường khám bệnh, cấp phát thuốc, bổ sung thêm vitamin cho Ch. Nay, tình trạng sức khỏe của can phạm này dần ổn định, giảm phù nề, ăn uống, đi lại được. 

Can phạm Lê Văn T. (70 tuổi) là người dân tộc thiểu số trú tại xã Bắc Sơn (A Lưới) cũng bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh vì có liên quan đến một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Theo các nữ y, bác sĩ của Bệnh xá Trại tạm giam, đây là can phạm khá đặc biệt, thường xuyên đau ốm với các triệu chứng suy nhược cơ thể, hội chứng dạ dày nặng, viêm khớp. “Do tuổi cao, sức yếu nên chúng tôi không chỉ đo huyết áp thường xuyên mà còn tích cực cấp thuốc, điều trị kịp thời”, nữ Trung úy Đinh Thị Hằng, điều dưỡng của Bệnh xá Trại tạm giam chia sẻ. 

Theo Trung tá, bác sĩ Phạm Thị Thủy, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh, ngoài số can, phạm nhân mắc các bệnh lý thông thường, hiện có 4 trường hợp nhiễm HIV/AIDS; trong đó có bị can Nguyễn Văn T. (47 tuổi), trú ở TP. Hải Phòng bị Công an tỉnh bắt giữ giữa tháng 9/2019 khi y vận chuyển hơn 30.000 viên ma túy tổng hợp trên chuyến tàu từ TP. Hồ Chí Minh đưa ra phía Bắc tiêu thụ khi đến địa bàn tỉnh thì bị bắt giữ.

Trung úy Đinh Thị Hằng chia sẻ, chính những cử chỉ, hành động của chúng tôi có tác dụng tích cực để khơi gợi niềm tin trong họ, mặc dù họ phạm tội

“Cầu nối” cho những cuộc đời lầm lỡ

Thông thường, tâm lý những can, phạm nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như bị can Nguyễn Văn T. khi vào trại thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí có nhiều trường hợp ngoan cố, chống đối… Tuy nhiên, qua công tác thăm khám, kiểm tra sức khỏe, các nữ y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh đã kịp thời động viên, an ủi, khuyên răn để các can, phạm nhân ổn định tư tưởng, chấp hành nghiêm nội quy của trại và cố gắng để cải tạo tốt…

“Chúng tôi có nhiệm vụ phụ trách khám, chữa bệnh cho gần 300 can, phạm nhân đang cải tạo, giam giữ tại trại. Khó khăn là điều khó tránh khỏi, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực để vượt qua. Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho các can, phạm nhân mà chúng tôi còn có nhiệm vụ hết sức đặc biệt là cảm hóa họ trở thành những người có ích cho xã hội, sớm tái hòa nhập cộng đồng”, Trung tá Phạm Thị Thủy, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh bộc bạch. 

Với Trung tá, bác sĩ Phạm Thị Thủy, 30 năm trong nghề là khoảng thời gian đủ để chị hiểu sâu sắc rằng, dù bất cứ ai thì “mầm thiện” trong mỗi con người cũng đều có. Điều quan trọng là “mầm thiện” ấy lúc nào mới được trỗi dậy để lấn át đi cái ác trong họ mới là điều quan trọng. Trung tá Phạm Thị Thủy có cơ hội tiếp xúc với không ít bệnh nhân, nhiều can, phạm nhân, nhất là khi chị trực tiếp về công tác tại Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh.

“Trong lúc khám, chữa bệnh cho các can, phạm nhân, tôi đều tâm sự, chia sẻ với họ để khơi gợi phần thiện trong mỗi con người. Để họ nhận ra những lỗi lầm của mình, cải tạo thật tốt, sớm hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời”, Trung tá Phạm Thị Thủy trò chuyện.

Dù mới 7 năm trong nghề, nhưng được tiếp xúc, gặp gỡ biết bao can, phạm nhân ở Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh đã giúp nữ Trung úy Đinh Thị Hằng, điều dưỡng Bệnh xá hiểu và càng thấm thía hơn giá trị của cuộc sống. “Với tôi, họ là những bệnh nhân cần được chăm sóc, điều trị khi có vấn đề về sức khỏe. Chính những cử chỉ, hành động của chúng tôi có tác dụng tích cực để khơi gợi niềm tin trong họ, mặc dù họ phạm tội. Mong rằng, sau khi được quản lý, cải tạo, họ sẽ thay đổi nhận thức, hành động để sống có ích hơn”, Trung úy Đinh Thị Hằng chia sẻ.

Thượng tá Hồ Quang Thạnh, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết, dù công việc thường xuyên phải đối mặt nguy hiểm do tiếp xúc với các can, phạm nhân có tiền án, tiền sự, mắc nhiều chứng bệnh truyền nhiễm…, nhưng đội ngũ y, bác sĩ công tác tại trại đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, vất vả. Họ thực sự là “cầu nối” để những cuộc đời lầm lỡ ổn định tư tưởng, tập trung lao động cải tạo tốt để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Bài ảnh: Anh Phong