Phát triển công nghệ thông tin đang được ưu tiên thu hút đầu tư (Trong ảnh: Tại Trung tâm CNTT tỉnh). Ảnh: Đăng Tuyên

Khó với doanh nghiệp nhỏ?

Lâu nay, “khát” nhân lực công nghệ thông tin luôn là bài toán gây đau đầu cho rất nhiều doanh nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh, Chủ tịch Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh Lê Vĩnh Chiến kể, sinh viên học xong đa phần đi các thành phố lớn tìm việc. Với các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong tỉnh, việc thu hút các em giỏi “đầu quân” không dễ. Dù mỗi năm, bình quân 6 trường đại học, cao đẳng tại Huế cho “ra lò” từ 400-500 sinh viên ngành IT.

Tại Thừa Thiên Huế, có khoảng 130 doanh ngiệp về công nghệ thông tin, hơn 1/3 trong số đó (40 doanh nghiệp) chuyên về phần mềm, nhưng quy mô không lớn nên khó cạnh tranh về lương và chính sách hỗ trợ người học.

Khảo sát của Đại học Huế cho thấy, gần 40-45% sinh viên Huế học tại Huế nhưng số người ở lại Huế làm việc rất thấp, nhất là ngành công nghệ thông tin.

Nguyễn Tuấn Sơn, Quản lý chi nhánh của BAP tại Huế - công ty chuyên về gia công phần mềm cho Nhật Bản, thừa nhận: BAP chủ yếu làm công nghệ mới như blockchain, Al… và hầu như không có “đối thủ” làm cùng lĩnh vực ở Huế. Vì vậy, đây là thế mạnh, cũng là khó khăn của doanh nghiệp.

“Ban đầu, chúng tôi nghĩ sẽ dễ tuyển dụng nhưng thực tế lại rất khó”, Tuấn Sơn nói. Để đủ số lượng, BAP “hạ” yêu cầu tuyển dụng xuống ở mức cơ bản: chỉ cần biết làm Java…, khi nhận vào mới đào tạo lại.

Với cách làm này, BAP đã tuyển được hơn 30 người từ khi mở chi nhánh tại Huế (đầu 2019). “Dù trước đó, các đàn anh trong ngành cho rằng đó là con số không tưởng”, Sơn cho hay.

“Nói thật, sinh viên Huế thụ động hơn nơi khác nhiều: Các bạn ít tự học, chờ cầm tay chỉ việc. Khi còn trên giảng đường, số lượng sinh viên tìm đến doanh nghiệp khá khiêm tốn. Cứ “đủng đỉnh” ra trường mới xin việc làm. Tuy vậy, nhân sự Huế có lợi thế là cần cù. Sau 1 năm, hầu hết các em đều đáp ứng được yêu cầu công việc, ít “nhảy” việc, tỷ lệ nghỉ việc rất thấp”, Quản lý BAP thẳng thắn.

Hiện tại, không có ngành nào việc nhiều nhưng nhân sự thiếu trầm trọng như IT. Huế còn có một nghịch lý, sinh viên giỏi chỉ chọn ngành y, kinh tế hay sư phạm, công nghệ thông tin ít được quan tâm. Dù điểm đầu vào không cao.

Trái với doanh nghiệp nhỏ, số nhân sự ít, câu chuyện tuyển dụng ở doanh nghiệp “có thương hiệu”, như Mitani - tập đoàn lớn về IT ở Nhật (hiện đã đầu tư tại Huế) khá suôn sẻ. Ban đầu, Mitani có nhu cầu tuyển dụng khoảng 50 nhân sự với yêu cầu khá cao: là “dân” kiến trúc hoặc xây dựng chuyển sang công nghệ thông tin, có học thêm tiếng Nhật vì phải làm việc trực tiếp với đội ngũ thiết kế ở Nhật. Sau 1 năm, Mitani tuyển được gần 70 nhân sự, nhanh hơn tiến độ yêu cầu và doanh nghiệp này quyết định mở thêm chi nhánh tại Huế.

Huế đặt mục tiêu đến 2025 có 10.000 ngàn nhân sự làm việc trong lĩnh vực IT

Những con “sếu đầu đàn”

UBND tỉnh vừa có kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh năm 2020, định hướng 2025 nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh. Mục tiêu cụ thể đến hết 2020 đào tạo và huy động hơn 2.000 nhân lực công nghệ thông tin làm việc tại Huế; phấn đấu đến 2025 đạt 10.000 lao động công nghệ thông tin phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, phát triển công nghệ thông tin đang được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư. Tỉnh phải có các doanh nghiệp đủ lớn - là những con sếu đầu đàn, tạo bền vững cho công nghệ thông tin. Và hiện Thừa Thiên Huế đang có 3-5 doanh nghiệp như vậy. Vì vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và doanh nghiệp đang được tỉnh rất quan tâm.

Hiện, vấn đề nhân lực có thể được cải thiện bởi ngành công nghệ thông tin đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào tạo cơ chế đặc thù giống các ngành du lịch.

Theo ông Lê Vĩnh Chiến, tỉnh cũng đang nghiên cứu chính sách về nguồn quỹ vay vốn cho sinh viên học công nghệ thông tin, đây là giải pháp khả thi. Trong vấn đề hỗ trợ thực tập, Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh sẽ phối hợp các doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Là thành viên tham gia xây dựng đề án, CEO PI Software Tống Phước Minh nhận định, nếu nhìn vào thực tế, Huế hiện có khoảng 2.000 nhân sự đang làm việc trong lĩnh vực IT, để triển khai đề án đúng là khó. Nhưng đây là cơ hội, khi Huế có những thế mạnh riêng.

Năm 2019, Huế đón hàng chục doanh nghiệp phần mềm từ Nhật về tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các công ty Nhật đánh giá rất cao môi trường cũng như những chính sách, chiến lược phát triển của tỉnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Như tập đoàn Mitani, Công ty Brycen (Nhật Bản). Đặc biệt, Brycen đang có kế hoạch phát triển một trung tâm mới, hiện đại về công nghệ “8K và 5G” tại Huế. Iglu Network cũng quyết định chọn Huế làm địa điểm mở công ty.

Mới đây nhất, Tổng giám đốc Công ty Hahalolo đã cam kết với Đại học Huế về hợp tác xây dựng mô hình đào tạo thực nghiệm theo cơ chế đặc thù lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch giai đoạn 2020-2030, mục tiêu đến 2030 sẽ đào tạo 10.000 nhân lực trong lĩnh vực trên, trong đó, doanh nghiệp sẽ tham gia đào tạo 40% tổng số chương trình theo mô hình của doanh nghiệp.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực, Đại học Phú Xuân đã ký kết với các đơn vị đào tạo uy tín, hợp tác với CodeGym trong đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao năng lực học viên, cung cấp nhân sự cho các doanh nghiệp tại Huế; Khoa Công nghệ thông tin – Đại học Khoa học Huế thay đổi chương trình đào tạo sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, giảm thiểu các nội dung đào tạo hàn lâm, kết hợp với doanh nghiệp FPT (từ 2015); liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh… nhằm thu hút cũng như nâng cao chất lượng việc đào tạo sinh viên ngành công nghệ thông tin.

Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, đề án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin” tỉnh tập trung vào 4 giải pháp chính. Giải pháp về truyền thông, thông tin; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; giải pháp phát triển nguồn nhân lực và chương trình, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư...

Bài, ảnh: LIÊN MINH