Hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện môi trường là phương án hỗ trợ sinh kế sau khi thành lập khu bảo tồn

Trước khi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (ĐNN) Tam Giang - Cầu Hai được thành lập, qua tham vấn cộng đồng dân cư trong vùng, nhiều người lo lắng sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh kế do bị giới hạn, thu hẹp phạm vi nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản, nông sản.

Nắm bắt tâm tư và nhằm tránh ảnh hưởng đời sống, sinh kế người dân tại nơi thành lập khu bảo tồn, đề án đã xây dựng phương án hỗ trợ chuyển đổi sinh kế hợp lý. Trong đó, tại phân khu phục hồi sinh thái thuộc phân vùng Cồn Tè - Rú Chá sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường, như: nuôi ghép, xen ghép tại các phân khu phục hồi sinh thái; nuôi sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng ngập mặn (RNM); xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Tại phân khu phục hồi sinh thái thuộc phân vùng Ô Lâu, tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển nghề truyền thống thân thiện với môi trường, như nghề chuôm, lưới kìm, cào lươn tay, câu cặm...; hướng dẫn người dân thực hiện mô hình du lịch cộng đồng- sinh thái tuyến đập cửa Lác - sông Ô Lâu.

Cùng với việc chuyển đổi sinh kế nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, nhiều hoạt động cụ thể cho từng phân vùng khu bảo tồn đã được xây dựng.

Tại cửa sông Ô Lâu (Phong Điền) có hệ sinh thái thảm thủy sinh nước ngọt, trước tiên dừng sản xuất lúa tại các cồn nổi; thu gom bèo lục bình tại đập cửa Lác và xử lý ô nhiễm môi trường; xây dựng chế độ đóng mở các cống xả đập cửa Lác nhằm tạo đường di cư cho các loài thuỷ sản quý hiếm và tạo các bãi cho chim di trú; nghiên cứu, trồng phục hồi các loài cây bản địa (lác, năn, mưng và các loài cây bản địa khác) tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Nghiêm cấm săn bắt chim và tiến hành điều tra, nghiên cứu tình trạng các loài chim di cư trú đông, xây dựng chương trình cứu hộ các loài quý hiếm, nguy cấp được ưu tiên bảo vệ.

Những diện tích trồng lúa truyền thống quanh khu vực sẽ được chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hoá học và các loại thuốc trừ sâu. Khai thác truyền thống thân thiện môi trường và nuôi thuỷ sản bền vững, trong đó chú trọng đến các loài đặc sản, loài bản địa có giá trị cao và đặc trưng cho đầm phá.

Kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nhằm giảm áp lực khai thác tài nguyên trực tiếp tại phân khu phục hồi sinh thái.

Tại khu vực Rú Chá (TX. Hương Trà) có hệ sinh thái RNM sẽ trồng mở rộng diện tích RNM cho các bãi bồi và các khu vực phù hợp. Chuyển đổi đê bao cứng của các ao nuôi thuỷ sản sang đê bao bằng lưới nhằm tăng lưu thông nước, tạo điều kiện để ổn định môi trường trong khu vực RNM tại phân khu phục hồi sinh thái. Chuyển đổi mô hình nuôi thủy sản hiện nay sang nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện môi trường tại phân khu dịch vụ - hành chính.

 Tại khu vực Cồn Tè (TX. Hương Trà) có hệ sinh thái thảm cỏ biển, nghiêm cấm các hoạt động khai thác thuỷ sản, xả rác và nước thải sinh hoạt ra khu vực Cồn Tè tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Chuyển dần các ao nuôi thuỷ sản có đê bao cứng sang đê bao bằng lưới nhằm tăng lưu thông nước, tạo điều kiện để cỏ biển phát triển trở lại trong các đầm nuôi tại phân khu phục hồi sinh thái.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN