Trước đây, vợ chồng nguyên đơn và bị đơn có thời gian cùng làm việc tại một cơ quan trên địa bàn huyện, người chồng làm bảo vệ, vợ làm tạp vụ. Vợ chồng có 3 người con chung.

Cứ tưởng cuộc sống sẽ bình thường như bao gia đình khác. Ấy vậy mà “sóng gió” bắt đầu nổi lên khi người chồng tỏ thái độ ghen tuông vô cớ. Đó là, hễ nhìn thấy vợ chào hỏi, nói chuyện xã giao với bất cứ cán bộ, nhân viên nam nào trong cơ quan là người chồng gây gổ, chửi bới. Sự việc kéo dài và trầm trọng đến nỗi, cơ quan nơi họ làm việc buộc phải chấm dứt hợp đồng làm việc với cả hai vợ chồng.

Sau khi bị mất công việc vì thói ghen tuông mù quáng của chồng, người vợ xoay qua bán cơm “bụi” để sinh sống, kiếm tiền nuôi các con. Thế nhưng, chị vẫn không thể nào yên thân làm ăn, bởi người chồng tiếp tục thói ghen tuông “trời ơi đất hỡi”. Những khách nam nào thường hay lui tới ăn cơm, đều bị người chồng gây gổ, cho rằng có tình ý với vợ của anh ta. Những người thi công các công trình trên địa bàn thường tới đặt cơm hộp về cho công nhân, cũng bị quy kết có tình ý với chị chủ quán cơm. Gây gổ với khách hàng, đánh đập vợ vẫn…chưa thỏa mãn cơn ghen, người chồng này cắt hết điện, nước trong nhà, để vợ không thể nấu cơm bán được nữa.

“Xe máy trong nhà, anh ta khóa lại hoặc thu giấu ở chỗ khác, để tôi không có phương tiện đi chợ mua bán các thứ hoặc đi lại. Khi cần quá, tôi mượn xe hàng xóm, thì kiểu gì hàng xóm đó cũng bị anh ta tìm đến gây gổ, chửi bới. Nếu là nam giới thì anh ta cho rằng có tình ý với tôi nên mới cho mượn xe. Không muốn vạ lây nên dần dần không người hàng xóm nào cho tôi mượn xe nữa cả. Tôi mà không tìm cách buôn bán kiếm tiền thì lấy tiền đâu nuôi sống bản thân, nuôi các con. Vậy nên tôi cùng các con phải ra thuê nhà trọ ở để tiếp tục công việc bán cơm. Nhưng anh ta vẫn tìm đến gây gổ, đánh đập, vì lý do tôi vẫn còn là vợ của anh ta, anh ta “có quyền”. Tôi không thể nào chịu đựng được nữa, nên dứt khoát xin ly hôn”- nguyên đơn trình bày với tòa.

Để làm rõ có hay không việc người chồng này đánh đập vợ, tòa án tiến hành xác minh lời khai của nguyên đơn tại công an xã, địa bàn mà nguyên đơn, bị đơn sinh sống.

Theo thông tin từ công an địa phương, sự việc người đàn ông này đánh đập vợ là có. Không những vậy, khi cán bộ công an tiếp nhận, giải quyết vụ việc, còn bị anh này “quy kết” là có tình ý với vợ anh ta nên mới “bênh” chị này. Xét tình cảm của người vợ đối với chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, thậm chí để phòng tránh, bảo vệ người vợ khỏi sự bạo hành của chồng, tòa án đã xử cho người vợ được ly hôn.

 “Qua thực tế xét xử cho thấy, rất nhiều chuyện đau lòng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ ghen tuông vô lối. Theo đó, nhiều gia đình tan vỡ. Nghiêm trọng hơn, sự ghen tuông mù quáng dẫn đến các hành vi cố ý gây thương tích, giết người. Vậy nên những vụ án này là sự cảnh tỉnh,  tránh những hậu quả, hệ lụy đáng tiếc”- vị cán bộ tòa tham gia giải quyết vụ án nêu trên nhắn nhủ.

Quỳnh Anh