Tại Trường THPT Hai Bà Trưng, để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học, nhà trường đã phối hợp cơ quan y tế địa phương thực hiện các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng (3 lần) toàn bộ các phòng học, phòng bộ môn, hội trường, nhà chơi, căn tin và các khu vực sinh hoạt ngoài giờ của học sinh và giáo viên. Lãnh đạo nhà trường và tổ hành chính vẫn làm việc nghiêm túc, chủ động nắm thông tin về tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường để kịp thời báo cáo cơ quan y tế và cơ quan chủ quản trong các tình huống phát sinh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin của Sở GD&ĐT để cập nhật kịp thời và có phương  án chủ động xử lý khi có tình huống điều chỉnh thay đổi các kế hoạch.

Học sinh Trường THPT A Lưới được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn phòng tránh COVID-19. Ảnh: NGUYỄN NGỌC TOÀN

Trong buổi học đầu tiên (thứ hai, ngày 2/3), học sinh và giáo viên được phát khẩu trang y tế, được trang bị dung dịch nước sát khuẩn đầy đủ. Giáo viên chủ nhiệm lớp trực tiếp hướng dẫn học sinh cách mang khẩu trang và dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn, đồng thời giám sát tình hình học sinh, liên lạc chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh, nhất là các em nghỉ học để kịp thời báo cáo về Ban Giám hiệu nhà trường.

Sáng  thứ năm (5/3), khi phát hiện nữ sinh V. P. U,  lớp10 A8 có hiện tượng sốt, nhà trường đã liên lạc với phụ huynh đến đón về nhà và yêu cầu đưa đi cơ sở y tế kiểm tra. Dù chưa có thông tin chính xác từ phía phụ huynh và nhà trường nhưng thông tin học sinh bị sốt trên đã sớm xuất hiện trên một số trang thông tin, báo nói... vào chiều ngày 5/3, gây bức xúc cho gia đình và dư luận.

Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng thứ sáu (6/3), phụ huynh học sinh đã gửi đến Ban Giám hiệu nhà trường hồ sơ bệnh án của học sinh, theo đó, bác sĩ kết luận em bị viêm mũi xoang cấp/VA quá phát độ II... Hiện tại, học sinh này đang nghỉ học, điều trị tại nhà.

Thiết nghĩ, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc thông tin kịp thời về các hiện tượng “nhạy cảm” này là cần thiết, nhất là trong trường học – nơi có hàng nghìn học sinh đang theo học. Tuy nhiên, điều nên tránh là đưa các thông tin vội vàng, dễ gây nên sự hoang mang cho học sinh, phụ huynh và xã hội.

Qua thực tế trên, chúng tôi thấy rằng khi nhận được thông tin nghi vấn, có liên quan đến dịch bệnh chúng ta cần bình tĩnh, rà soát tìm hiểu nguyên nhân bị bệnh, nhằm làm rõ có liên quan đến COVID-19 hay không. Đồng thời thường xuyên liên hệ, phối hợp với phụ huynh để nắm bắt và kịp thời xử lý khi học sinh có hiện tượng ốm đau.

Cần bình tĩnh trước những thông tin về dịch bệnh COVID-19 để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

HOA PHƯỢNG