Phụ nữ Huế duyên dáng cùng tà áo dài. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Nhiều chị biết nắm bắt cơ hội vươn lên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh...với một tâm thế mới.

Thích ứng

Dù dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, nhưng tại “Xưởng may dì Anh” ở thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu (Phú Vang), hàng trăm công nhân vẫn có việc làm ổn định, trong khi ngành may mặc đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch.

Thay vì sản xuất một sản phẩm như trước, xưởng mở rộng nhiều sản phẩm, sử dụng nhiều chất liệu, vừa đáp ứng thị trường, vừa chủ động nguồn nguyên liệu vải.

Chị Kim Anh chia sẻ: “Trải qua nhiều lần thất bại, tôi rèn được tính thích ứng trước mọi tình thế trong kinh doanh. Dù hoàn cảnh nào tôi cũng chủ động được giải pháp. Trong kinh doanh, tôi luôn vạch chiến lược dài hạn, ngắn hạn để thực hiện”.

Trước lúc trở thành chủ nhân của thương hiệu “Tương măng Hoàng Cúc” được nhiều người, nhiều địa phương biết tiếng, chị Võ Thị  Kim Cúc ở thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền) và gia đình gặp nhiều khó khăn. Chồng thường xuyên xa nhà, cuộc sống chật vật. Nhưng khó khăn lại là động lực để chị Cúc vươn lên. Gia đình chị đời trước truyền lại cho đời sau bí quyết chế biến măng trộn ớt thành sản phẩm tương măng, hương vị thơm cay, hơi chua, rất hấp dẫn, không hoá chất độc hại... Nhiều “phen” suy nghĩ, chị Cúc bỗng nhận ra “lối đi ngay dưới chân mình”.

Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho phụ nữ

Cùng với quảng bá sản phẩm, chị Cúc bắt đầu khảo sát, mở rộng thị trường. Chị đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Sản phẩm tương măng của chị được quảng bá trong các hội chợ, Festival làng nghề truyền thống trong tỉnh và một số tỉnh khác, “đi” vào các siêu thị, nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Chưa dừng lại ở đó, nhạy bén nắm bắt thị trường, chị Cúc tiếp tục đầu tư thêm dịch vụ du lịch.

Muốn khẳng định sản phẩm son môi handmade mình làm ra bằng tất cả đam mê, chị Nguyễn Thị Thúy (Phú Vang) tham gia Cuộc thi khởi nghiệp do Hội Liêp hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức.

Ngoài kết quả giải Nhì tạo động lực cho bản thân, chị còn có cơ hội giới thiệu sản phẩm. Trước những gợi ý, tư vấn của các chuyên gia khởi nghiệp tại cuộc thi, Thúy liền lĩnh hội để hoàn thiện hơn dự án khởi nghiệp của mình. “Khi được các chuyên gia phân tích, nếu mang nhãn hiệu son môi Thúy Nguyễn, nếu có cơ hội cạnh tranh ra thị trường các nước, nhãn hiệu này sẽ khiến người nước ngoài khó đọc. Tôi thấy có lý nên đã đổi thành nhãn hiệu “TN Lipstick”. Từ khi tham gia cuộc thi, nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh tăng hơn. Hiện tôi đang tiếp tục mở rộng dự án của mình”, Thúy cho biết.

Ưu thế

“Tôi rất ngạc nhiên và vui trước sự thay đổi của phụ nữ Huế”, TS.Trần Sĩ Chương, chuyên gia tư vấn quốc tế về quản lý tài chính và chiến lược doanh nghiệp trao đổi với chúng tôi tại hội thảo “Phụ nữ khởi nghiệp - phụ nữ doanh nhân” do LHPN tỉnh tổ chức cuối tháng 2/2020.

Ông kể, trước đây ông từng tham gia chia sẻ tại các diễn đàn liên quan đến phụ nữ phát triển kinh tế trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Từ đầu đến cuối chỉ mỗi mình tôi độc diễn, tìm cách gì cũng không tạo được tương tác. Cũng là vai trò đó, tại hội thảo lần này, tôi nhận ra một tâm thế hoàn toàn mới ở các chị. Tranh thủ thời gian trao đổi về ý tưởng, vướng mắc đang gặp phải, có chị hẹn đón tôi từ sân bay. Tại hội thảo, các chị hỏi rất nhiều những vấn đề sát sườn. Kết thúc hội thảo, các chị mạnh dạn, tự tin xin thông tin liên lạc trao đổi khi cần thiết. “Điều này cho thấy, các chị đã rất trăn trở, không “đứng ngoài” mà đã “lao vào cuộc”, ông Chương nói.

Chia sẻ về lợi thế cho phụ nữ Huế khi tham gia khởi nghiệp, ông Chương cho biết: “Huế có cả một kho tàng giá trị văn hóa mang đặc sắc riêng không nơi nào có được. Trong đó, có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nếu khởi nghiệp, phụ nữ sẽ dễ thành công hơn nam giới. Không chỉ thành công mà còn thành công một cách “sang chảnh”.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Thị Thùy Yên dẫn chứng thêm: “Nhìn lại các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do tỉnh tổ chức hàng năm, tỷ lệ nữ tham gia dự thi đoạt giải cao năm nào cũng chiếm ưu thế. Trong 3 năm thì 2 giải nhất đều thuộc về tác giả nữ. Điều này cho thấy, phụ nữ Huế không còn “thu mình” như trước, các chị đang từng bước khẳng định bản thân trên mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động khởi nghiệp.

Theo chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chuyển biến tích cực của nhiều phụ nữ trong hành trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã tạo niềm tin, động lực hơn trong công tác đồng hành của Hội LHPN tỉnh. “Chúng tôi tiến hành kết nối, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế. Tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo, mời các chuyên gia trao đổi, chia sẻ để các chị có cơ hội học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đa dạng hoá nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Việc chỉ đạo các cấp hội chủ động xây dựng các nguồn quỹ thông qua các mô hình sáng tạo để phong trào phụ nữ khởi nghiệp lan rộng trong toàn bộ hội viên cũng được hội quan tâm”, chị Trần Thị Kim Loan khẳng định.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN