Xử lý nghiêm các cơ sở tự ý nâng giá bán

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong ngày 7/3 hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu dự trữ khiến cầu vượt cung và dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh khi nhiều người tụ tập nơi đông người, đồng thời gây ách tắc giao thông và xáo trộn thị trường.

Các đại lý gạo vẫn tồn kho trên 300 tấn nên người dân không nên đổ xô đi mua dự trữ

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, trú tại phường Thủy Xuân, TP. Huế, mặc dù nhà vẫn còn hơn 10kg gạo và chục gói mì tôm, song thấy hàng xóm đổ xô đi mua dự trữ với lý do sợ Huế có trường hợp nhiễm COVID-19 sẽ khan hiếm hàng nên cũng đi mua. Do nhiều người cùng lúc đi mua với số lượng lớn nên các đại lý ở phường Thủy Xuân, Trường An hết sạch hàng, phải đến các siêu thị lớn và chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới mua được gạo, mì tôm và các sản phẩm thiết yếu.

Qua khảo sát thị trường trong sáng 8/3, mặc dù số lượng người dân đi mua hàng giảm hẳn, không còn tình trạng chen lấn và mua số lượng lớn song sức mua tại các siêu thị, chợ truyền thống vẫn còn tăng đột biến, chủ yếu vẫn là hai mặt hàng gạo và mì tôm.

Tại đại lý gạo Thanh Xuân ở 23 Nguyễn Thái Học, ngày 7/3 lượng gạo bán ra cao gấp 3 lần so với ngày thường với trên 2 tấn gạo nhưng trong sáng nay (8/3), lượng khách đi mua giảm hẳn nên số lượng bán ra đã bình ổn trở lại. “Hiện, mặt hàng gạo vẫn đảm bảo đủ nguồn cung và không có tình trạng khan hiếm như một số thông tin”, bà Xuân chia sẻ.

Theo báo cáo từ các DN, hiện các siêu thị và đại lý trên địa bàn còn tồn kho gần 320 tấn gạo và 20.000 thùng mì tôm, các DN đang tiếp tục nhập hàng về cung ứng cho người dân nên không có tình trạng khan hiếm nguồn hàng. Đơn cử, Công ty Thái Đông Anh còn tồn kho 50 tấn mì tôm, ngày 9/3 nhập thêm 20 tấn; Công ty Hoàng Đạt tồn kho 50 tấn; 2 siêu thị Big C và Co.opmart tồn kho hàng chục tấn. Đối với mặt hàng gạo, hiện có trên 20 DN và đại lý tồn kho gần 320 tấn và đang tiếp tục nhập thêm khoảng 50 tấn về phục vụ bà con.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng tự ý định giá bán và bán cao hơn giá niêm yết.

Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Phan Văn Tâm cho biết, trong những ngày qua, Đội tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, chú trọng các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, khẩu trang và kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đối với các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý, căn cứ theo Nghị định 109 sẽ bị xử phạt từ 20-60 triệu đồng; bán cao hơn giá niêm yết phạt từ 5-20 triệu đồng.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa

Tại Siêu thị Big C Huế trong sáng 8/3, mặc dù số lượng khách hàng đi mua các sản phẩm gạo, mì tôm, thịt hộp, sữa và rau củ quả có giảm so với ngày 7/3, song số lượng khách vẫn tăng đột biến, cao gấp 4-5 lần so với ngày thường, gây ra tình trạng chen lấn, tập trung đông người cùng một địa điểm.

Mì tôm là mặt hàng được nhiều người dân lựa chọn nhất trong những ngày này

Giám đốc Siêu thị Big C Huế Trần Như Hùng Tấn cho rằng, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong 2 ngày 7 và 8/3, một số khách hàng đổ xô đi mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong một thời điểm dẫn đến lượng hàng hóa trưng bày trên quầy đứt hàng cục bộ, chứ không có tình hàng khan hàng. Hiện DN đã đặt hàng tăng 3-5 lần và dự trữ số lượng lớn, đặc biệt là gạo, mì tôm và các sản phẩm rau củ, trái cây phục vụ nhu cầu của người dân. Siêu thị cũng tăng cường làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung, tăng số lượng nhân viên phục vụ khách và cam kết bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng.

Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Đạt Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định, hiện trong kho của DN có sẵn 50 tấn mì tôm và đang tiếp tục nhập thêm hàng về nên không bao giờ thiếu hụt hàng mặc dù sức mua trên thị trường có tăng lên gấp 5, 10 lần so với ngày thường. Không chỉ cung ứng cho địa bàn TP. Huế, hiện DN đã tăng cường các phương tiện vận chuyển đưa hàng về các địa phương trong tỉnh nhằm phục vụ tận tay bà con với mức giá bình ổn.

Theo chỉ đạo của Sở Công thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân trong giai đoạn dịch bệnh, các DN đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3-4 lần so với trước. Theo đó, dự báo nhu cầu của người dân sẽ tăng nên các siêu thị có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung, trong đó Siêu thị Big C tăng 3 lần lượng hàng dự trữ tại kho, Co.opmart Huế tăng 50% và Vinmart tăng từ 30 - 50%. Các nhà cung ứng đều có kế hoạch đảm bảo nguồn cung thực phẩm như gạo, mì, thực phẩm, sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng và không có hiện tượng găm hàng, sốt giá.

Sức mua tại Siêu thị Big C trong sáng 8/3 giảm hẳn sau khi người dân nắm bắt được thông tin các DN đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh thông tin, sau tình trạng người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ, Sở đã tổ chức cuộc họp với các DN, cơ sở kinh doanh thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn để nắm tình hình và nguồn cung hiện tại. Qua đó, Sở khẳng định mặc dù số lượng khách đi mua tăng đột biến, song với sự chủ động trong việc dự trữ hàng hóa nên trên địa bàn không có tình trạng khan hiếm hàng. Hiện, sức mua đang tăng cao, chủ yếu tập trung ở các siêu thị, chợ truyền thống nhưng lượng hàng cung ứng vẫn đảm bảo nên bà con yên tâm, bình tĩnh và không nên đổ xô đi mua hàng dự trữ.

Ông Thanh cho biết, đối với mặt hàng khẩu trang, Sở đã làm việc với các DN cung ứng và tổ chức phân phối khẩu trang vải kháng khuẩn tại 4 địa điểm trên địa bàn tỉnh. Đó là cửa hàng 1 (122 Dương Thiệu Tước, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy), cửa hàng 2 (175 Trần Hưng Đạo, TP. Huế), Siêu thị Co.opmart Huế (6 Trần Hưng Đạo, TP. Huế) và Siêu thị Big C Huế (174 Bà Triệu, TP. Huế). Trong tuần tới, các siêu thị tiếp tục đưa sản phẩm này về các địa phương để cung ứng cho người dân với giá gốc nên khuyến cáo bà con không nên hoang mang, lo lắng vì nguồn thực phẩm và khẩu trang phòng chống dịch trên địa bàn đủ để cung ứng cho người dân trong tình hình diễn biến dịch COVID- 19 kéo dài.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG