Nhiều nước gặp khó khăn vì thiếu khẩu trang. Ảnh minh họa: NYT/Việt Nam mới

Tại một nhà máy sản xuất khẩu trang thuộc khu vực ngoại ô thủ đô Seoul (Hàn Quốc), các công nhân đang nỗ lực đẩy nhanh hoạt động sản xuất đến 300.000 khẩu trang/ngày. Song số lượng này vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Năm 2019, Công ty sản xuất Incheon CNTUS-Sungjin CO.Ltd., đã cho ra thị trường 30 triệu khẩu trang. Song khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm nay, chỉ riêng 2 tháng đầu năm, công ty đã sản xuất đến 19 triệu sản phẩm.

Trên khắp châu Á, sự lây lan của virus khiến người dân ở những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề đổ xô đi mua khẩu trang trước lo ngại có thể họ sẽ trở thành bệnh nhân tiếp theo nếu không có biện pháp bảo hộ.

Riêng ở Hàn Quốc, tại một quốc gia có dân số khoảng 50 triệu người, các nhà sản xuất ước tính chỉ có thể sản xuất tổng cộng khoảng 10 triệu khẩu trang/ngày. Trong thời gian này, giá bán ra của sản phẩm cũng tăng khá cao, cụ thể là giá bán buôn tăng từ 0,55 USD/khẩu trang lên đến 0,93 USD cho mỗi khẩu trang làm ra bởi công ty CNTUS-Sungjin. Tuy nhiên, ban giám đốc công ty cho biết, mặc dù tăng giá sản phẩm, song CNTUS-Sungjin cũng không thu được quá nhiều lợi nhuận do nhà máy đã tuyển thêm 130 công nhân bán thời gian, ngoài 70 công nhân chính thức. Dây chuyền vận hành cả ngày.

Ở Thái Lan, vừa qua, chính phủ cũng phê duyệt 225 triệu Bath để sản xuất 50 triệu khẩu trang vải trong 10 ngày. Tại Singapore, nước này đang tìm cách sản xuất khẩu trang ở địa phương do những nơi khác như Hongkong đã cấm xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài.

Không chỉ khuyến khích tăng tốc sản xuất, nhiều nước cũng triển khai biện pháp quản lý, kiểm tra, xử phạt khắt khe với bất kỳ hành vi cố tình trữ khẩu trang, tăng giá khẩu trang, dung dịch khử trùng và các vật tư y tế khác. Mọi hành vi tương tự đều được chính quyền Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia cấu thành tội phạm.

Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)