Tập thơ gồm 70 bài (ứng với tuổi đời của tác giả), được cân nhắc và lựa chọn từ gần 200 bài thơ sáng tác trong vòng mười năm trở lại đây. Điều ấy, phần nào cắt nghĩa vì sao anh lại đặt tên “Lặng lẽ nắng chiều” cho đứa con tinh thần đầu lòng của mình.

Bìa sách “Lặng lẽ nắng chiều”

Thơ Lê Đức Tường khá đa dạng về đề tài, cách nghĩ, cách cảm nhưng tập trung nhất là những suy tư về nhân tình thế thái, về ứng xử, đạo lý làm người… đọng lại trong lòng người đọc là những bài thơ anh viết về mẹ và quê hương đất lửa Vĩnh Linh, về đồng đội sống chết bên nhau một thời áo lính. Hình ảnh “Đòn gánh” đè đôi vai gầy của mẹ, sớm trưa ngược xuôi, tảo tần, bòn từng đồng bạc lẻ, gom góp để nuôi con ăn học, hiện lên day dứt trong thơ anh: “Mẹ tôi gánh nắng cõng mưa/hai đầu đòn gánh đong đưa tháng ngày… liêu xiêu dáng mẹ gió lùa phố đêm” (Mẹ tôi). Cùng với tình yêu thương của cha mẹ, miền quê nghèo rơm rạ gắn với tuổi thơ nhọc nhằn, đã đùm bọc và nuôi anh từng ngày khôn lớn: “Quê nghèo rơm rạ cỏ lau/Cầu tre giếng nước tươi màu tuổi thơ”(Quê nghèo) hay: “Lớn lên từ mãnh đất làng/Rau môn sắn củ đồng hoang cõng đời/Tuổi thơ quần cụt áo tơi/lưng trâu bàu rú theo thời gió mưa/Nhọc nhằn đồng bãi sớm trưa/Mồ hôi thấm đất tựa bờ lớn khôn” (Đất làng). Hồn vía của mãnh đất làng thấm vào anh đến nổi: “Tình quê canh cánh bên lòng/Mùi hương chua mặn quanh năm nhớ thèm” (Tình quê).

Trong tình yêu và nỗi nhớ quê hương, cứ ẩn hiện bóng dáng của một cô bạn gái cùng học ngày nào: “Bóng mắt trong nhau/ Bồi hồi khó tỏ/… Cứ đợi mãi cổng trường/ Mà chưa dám nói lời yêu” (Tuổi ô mai). Để khi đã hoàn thành nghĩa vụ người lính trở về quê, anh vội đến tìm em “Tháng năm tóc phủ gió sương/ Chiến chinh mãn cuộc lời thương gác bờ” (Lời thương gác bờ). Cô bạn gái năm xưa, anh chưa kịp ngỏ lời yêu, bây giờ đã sang ngang “Em con đò đã cắm sào/ Anh con sóng lạc lao xao mạn thuyền” (Lao xao). Đó không chỉ là “Con sóng lạc lao xao” trong anh, mà cả nhiều đồng đội anh sau ngày chiến thắng trở về. Anh đón nhận sự thật ấy như một nỗi buồn tuy tê tái nhưng dịu ngọt. Bởi anh còn may mắn hơn đồng đội, có người đã ra đi mãi mãi không về. “Bảy hai buổi ấy ra đi/ Một trăm tám mốt/… bạn chừ còn ai”(Viếng Thành cổ) và những người trở về không còn nguyên vẹn, chịu nhiều thiệt thòi “Sau chiến tranh lận đận/ Đứa bệnh tật cõm còi/ Đứa xe đẩy xe lôi/Đứa cong lưng cày cuốc/… chỉ đau đáu niềm mong/Được một lần gặp đủ” (Đau đáu niềm mong). Đó là những câu thơ về thân phận người lính trở về sau chiến tranh, sống bình dị giữa đời thường… khiến người đọc xúc động và trăn trở.

Thơ Lê Đức Tường viết nhiều thể loại: Tự do, ngũ ngôn, Đường luật, nhiều nhất và ấn tượng nhất là thể thơ lục bát (chiếm gần nửa tập thơ), trong đó có mấy bài nói về

“Chiều”: Xuân chiều, Nghiêng chiều, Vọng chiều, Ráng chiều… “Chiều chiều đứng bến Lăng Cô/ Thương em trong nớ Nam Ô vọng chiều” (Vọng chiều), “Ráng chiều phủ bóng hoàng hôn/Mặt trời vội nấp bên buồn lịm trôi” (Ráng chiều),“Nửa đời lạc bước phiêu diêu/Ngoái lui xuân đã nghiêng chiều sang canh” (Nghiêng chiều). Điều ấy cho thấy, cảm thức về thời gian luôn hiện rõ và đồng hành trong thơ anh với những hoài niệm và chiêm nghiệm, thao thức: “Để năm tháng lọt qua mành kẻ tay”, “Cuối đời nhặt lại thời gian”, “Tiếng gà rưng rức mênh mang”, “ngổn ngang bao chuyện khóc cười”. “Thời gian hoang hoải lê thê mục mòn”…

Không phải ai khi đã nghỉ hưu, cũng ý thức về mình một cách ung dung, tự tại và thanh thản như anh: “Ta về tự tại bốn mùa/Nổi chìm trần thế hơn thua chẳng màng/Ta về bạn với gió ngàn/Ta về khép lại nửa vành trăng thanh/Mặc người chen chúc đua tranh/Còn ta thanh thản an bần nhẹ tênh” (Về hưu).

Có thể xem “Lặng lẽ nắng chiều” là món quà dung dị, chứa đựng sự đam mê và nỗ lực đáng quý, đong đầy tình cảm chân thành, mộc mạc, khiêm nhường của Lê Đức Tường để lưu giữ buồn vui của mình, dành tặng cho người thân, bạn hữu và quê hương.

Lê Viết Xuân