Người dân đến đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ở Phong Điền

HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Điền Lộc (Phong Điền) thành lập từ năm 1976, có người gắn bó ở đây ngót nghét gần 30 năm, song chưa bao giờ được tham gia BHXH. Ông Trần Đình Khôi, Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Lâu nay, mức thu nhập của xã viên rất thấp, tầm 2 triệu đồng/người/tháng, trong khi phải đóng BHXH bằng mức lương tối thiểu vùng nên họ không tham gia. Hơn nữa, xã viên vẫn chưa tiếp cận được với chính sách BHXH, hiểu chưa thấu đáo có một chính sách an sinh xã hội dành cho họ”.

Ở Phong Điền, ngày càng có nhiều  lao động lớn tuổi muốn tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều nông dân ở các hợp tác xã hay tiểu thương ở các chợ có nguyện vọng đóng BHXH để có lương hưu. Chỉ tính riêng năm 2019, số người tham gia tham gia BHXH tự nguyện là 810 người, tăng 461 người. Được cán bộ BHXH huyện tư vấn về những lợi ích của BHXH tự nguyện, bà Lê Thị Thơm (Phong Thu) quyết định tham gia cho cả hai vợ chồng, với mức đóng 200.000 đồng/tháng/người. Như vậy, mỗi năm vợ chồng bà đóng chưa tới 5 triệu đồng.

Bà Thơm chia sẻ: “Tôi tham gia BHXH tự nguyện vì so với các loại hình bảo hiểm khác thì mức đóng khá thấp. Đến khi hết tuổi lao động mình còn có lương hưu, có thể lo cho bản thân, không phải cậy nhờ con cái”. Bà Thơm cho rằng, quyết định tham gia BHXH tự nguyện của mình là sáng suốt, bởi biết tích góp cho tương lai.

Khác với bà Thơm, bà Lê Thị Hà, 60 tuổi, ở thị trấn Sịa chia sẻ: “Trước đây, tôi là công nhân của một công ty sản xuất đồ nhựa. Tôi đã đóng bảo hiểm được 14 năm. Cách đây vài tháng, tôi nghỉ việc và đang định làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và lãnh bảo hiểm một lần. Tuy nhiên, khi được nhân viên BHXH huyện tư vấn, tôi đã quyết định chuyển sang đóng BHXH tự nguyện cho đủ năm để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, hưởng BHYT và tử tuất sau này”.

Ở cái tuổi ngoài tuổi hưu theo quy định được cho là muộn khi tham gia BHXH nhưng họ lại không gặp rủi ro. Theo cách giải thích của BHXH, 60 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện, họ sẽ đóng trong vòng 10 năm (đến 70 tuổi) thì 10 năm còn lại được quyền đóng 1 lần để được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề. Nếu lao động đóng trong vòng 5 năm nhưng không may qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng tiền tuất, mai táng phí và nhận lại số tiền đã đóng. Còn đóng dưới 5 năm nhưng không có khả năng đóng tiếp, sau một năm, ngành BHXH sẽ trả lại số tiền đã đóng cho lao động.

Để BHXH tự nguyện thực sự trở thành chỗ dựa cho lao động phi chính thức, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, BHXH huyện Phong Điền tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, dễ nhớ. Nhất là, chú trọng đến nhóm đối tượng đã từng tham gia đóng bảo hiểm nhưng nghỉ việc, những người có thu nhập ổn định, khu vực có điều kiện kinh tế đang phát triển”, Giám đốc BHXH huyện Phong Điền, ông Lê Đình Hòa thông tin thêm.

Một hình thức để người dân thoát khỏi sự "thụ động" nhờ cậy vào con cái là mua BHXH tự nguyện hay nói cách khác là "chủ động" tích lũy, có lương hưu khi về già. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn nhiều người chưa biết và tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, để thu hút thêm nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện rất cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Bài, ảnh: Ngọc Dung