Chị Nguyễn Thị Ngân, trú tại phường An Đông, TP. Huế khá lo lắng khi trên địa bàn có nhiều người cách ly tại nhà do tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID- 19 số 30, chị và người thân hạn chế đến nơi đông người, tránh tụ tập. Tuy nhiên, là phụ nữ nên công việc nội trợ, mua sắm nhu yếu phẩm hằng ngày khiến chị không thể không đến chợ hay siêu thị hằng ngày. Sau khi nghe người thân giới thiệu dịch vụ “Đi chợ giùm bạn” thông qua việc nhận đặt hàng qua điện thoại tại Siêu thị Co.opMart Huế, chị áp dụng ngay.

Với số lượng khách đặt mua hàng qua điện thoại tăng 300% so với trước, Co.opMart Huế huy động trên 100 nhân viên ứng trực và phục vụ vận chuyển hàng hóa cho khách

Theo nhân viên quầy dịch vụ Siêu thị Co.opMart Huế Nhật Long, chỉ với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, khách hàng có thể ở nhà và điện thoại đến quầy dịch vụ để mua hàng. Trong đó, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm khô, tươi sống, thực phẩm hay bất cứ mặt hàng gì cung ứng tại siêu thị theo yêu cầu và sẽ được nhân viên giao hàng tận nơi, không tốn phí trong bán kính 6km; đối với các khách hàng ngoài bán kính 6km sẽ thu phí giao hàng với mức 5.000đ/km.

Từ ngày 8/3 đến nay số lượng khách đến mua hàng trực tiếp tại siêu thị giảm, song khách đặt mua hàng qua điện thoại tăng 300% so với thời điểm trước đó với trên 300 đơn hàng/ngày nên doanh số bán hàng cũng tăng gấp đôi.  

Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế Dương Thị Tuất cho rằng, để giảm áp lực cho khách hàng khi không có thời gian đến siêu thị lựa chọn thực phẩm, đồng thời hạn chế đến nơi đông người nhằm góp phần phòng chống dịch COVID- 19, đơn vị đã tăng cường các dịch vụ nhận đặt mua hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà, đồng thời dự trữ nguồn hàng, huy động thêm nhân viên, phương tiện vận chuyển đáp ứng nhu cầu giao hàng nhanh nhất phục vụ khách.

Bà Tuất cho biết, với lượng khách đặt mua hàng qua điện thoại những ngày qua tăng đột biến và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đơn vị đã huy động toàn bộ CBCNV cùng tham gia dịch vụ, đồng thời tăng cường số lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, trái cây, rau củ quả… và áp dụng chính sách bình ổn giá hoặc giảm giá tùy theo chương trình.

Trong những ngày này nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn cũng phát triển loại hình bán hàng trực tuyến hay đặt mua hàng qua điện thoại và thu hút nhiều khách hàng.

Khách hàng đến mua hàng trực tiếp tại siêu thị cũng tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang và sử dụng các dung dịch sát khuẩn

Tại hệ thống siêu thị VinMart trên địa bàn TP. Huế những ngày này số lượng khách đặt mua hàng qua điện thoại tăng cao, dao động từ 30-50% so với thời điểm trước khi Huế xuất hiện dịch COVID- 19. “Vừa đỡ tốn thời gian, chi phí xăng xe và nguy cơ lây nhiễm bệnh khi tụ tập đám đông, dịch vụ đặt mua hàng qua điện thoại tại các siêu thị khá tiện ích và an toàn trong mùa dịch”, chị Thu Hằng, trú tại phường Thủy Xuân chia sẻ.

Theo quản lý VinMart tại 102 Điện Biên Phủ, trong 2 ngày 8 và 9/3, số lượng khách đến mua hàng giảm nhiều, song khách mua hàng qua điện thoại hoặc các giao dịch trên mạng tăng lên nhiều. Đối với hệ thống này, khách hàng có thể tham khảo sản phẩm, bảng giá qua trang facebook của siêu thị, sau đó điện thoại đặt hàng và nhận hàng ngay tại nhà.

Theo thông báo của Sở Công thương chiều 10/3, hiện nguồn thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho người dân đang dồi dào và đảm bảo khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên gấp 4-5 lần so với ngày thường. Trong đó, các doanh nghiệp đang tồn kho trên 300 tấn gạo, 500 tấn lúa, khoảng 50.000 thùng mì tôm các loại và 150.000 khẩu trang vải kháng khuẩn.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho biết, hiện sở đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, y tế thiết yếu để kịp thời tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý nhằm bình ổn thị trường.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG