Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 

Dạy học qua truyền hình là giải pháp chủ động trước thực tế học sinh có thể nghỉ dài hơn do dịch bệnh. Lâu nay, một số trường tổ chức dạy và học trực tuyến, tuy nhiên, chỉ mang tính chất ôn bài, tăng sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, không phù hợp với những học sinh ở vùng khó khăn. Dạy học qua truyền hình có thể áp dụng đại trà, giúp chương trình học không bị chậm.

Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất phương án dạy học cho học sinh cuối cấp trên truyền hình để các em có thêm kênh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi THPT Quốc gia năm nay. Đây được xem là giải pháp ứng phó trước việc học sinh không thể đến trường do dịch COVID-19.

Ông có thể cho biết phương thức học qua truyền hình như thế nào?

Chúng tôi đã làm việc với Đài phát thành & truyền hình tỉnh, thống nhất học sinh lớp 9 sẽ học các môn: Toán, Văn, Anh. Học sinh lớp 12 ôn luyện 9 môn thi THPT Quốc gia, gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Anh và Giáo dục công dân. Khối lớp 9 và 12 sẽ được áp dụng học chương trình truyền hình trước, sau khi thực hiện thành công mới áp dụng cho các khối tiếp theo.

Các bài giảng trên truyền hình là bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và 12 năm học 2019-2020 do giáo viên giàu kinh nghiệm thực hiện nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Chương trình sẽ được thiết kế đảm bảo những kiến thức trong khung chương trình, không nâng cao để đáp ứng đủ trình độ cho học sinh từ thành phố đến nông thôn.

Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp học 

Thời gian học được bố trí như thế nào trong ngày?

Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 16/3, học sinh sẽ học qua truyền hình. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung giảng dạy cho khối 12, tuần đến nữa sẽ là khối 9; sau đó tùy theo điều kiện để phân bố thời gian. Buổi sáng các em sẽ học từ 8h đến 10h; buổi chiều từ 14h đến 16h.

Mỗi tiết học kéo dài 30 phút, mỗi buổi có 3 tiết. Các em học từ thứ 2 đến thứ 6. Thời điểm hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch chương trình dạy trên truyền hình đến ngày 28/3 và tùy theo tình hình để tiếp tục thiết kế môn học, giờ học phù hợp.

Làm thế nào để tất cả học sinh cùng học trên truyền hình?

Sẽ không phải lo lắng trong vấn đề học sinh tiếp cận thông tin. Ngoài kênh truyền hình trên sóng Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh còn có kênh phát thanh hỗ trợ để  những học sinh vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp thu bài vở thuận tiện nhất. Hơn nữa, nội dung của các tiết học đều được lưu lại trên các trang web, cổng thông tin điện tử của ngành, tỉnh và ứng dụng của Đài Phát thanh và truyền hình Tỉnh nên học sinh có thể xem lại các bài giảng bất cứ lúc nào.

Vậy, tổ chức học trên truyền hình có gặp khó khăn gì không thưa ông?

Khó khăn nhất vẫn là kiểm tra bài cũ và cách thức tổ chức các bài kiểm tra để chấm điểm cho học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi đã thống nhất phương án, sau khi học sinh đi học trở lại, các trường sẽ tổ chức cho các em kiểm tra để lấy điểm.

Riêng đối với chương trình tiếng Anh, chúng tôi sẽ biên soạn hai chương trình riêng. Chương trình tiếng Anh hệ 7 năm và 10 năm. Còn tất cả các môn khác sẽ cố gắng khắc phục được những bất cập để chuyển tải đến các em những kiến thức cơ bản nhất.

Trình độ học sinh không đồng đều, làm thế nào để vượt qua khó khăn này?

Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho các trường giải đáp thắc mắc của học sinh từ các bài giảng trên truyền hình thông qua các nhóm hoạt động của lớp, trường trên các trang mạng xã hội. Sở sẽ mở hộp thư điện tử để các em có thể gửi câu hỏi về để tổng hợp chuyển đến các trường hoặc giải đáp trên truyền hình, đảm bảo đủ chương trình bài giảng.

Vấn đề, các trường phải có sự kết nối giữa học sinh với giáo viên, để giải đáp những thắc mắc cho các em. Tùy theo tình hình, giáo viên có thể bố trí ngày cuối tuần để giải đáp, tích hợp, tổng hợp lại những kiến thức trên truyền hình để mọi học sinh có thể theo kịp chương trình.

Đối với học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học, sẽ có chương trình dạy riêng, Sở giao trách nhiệm cho Ban giám hiệu trường nhà trường thiết kế một chương trình riêng đảm bảo tính cấp thiết cho học trò trường chuyên. Chương trình nào để học sinh chuyên theo học và chương trình nào dành cho học sinh học bồi dưỡng học sinh giỏi.

Chương trình học trên truyền hình có mang tính bắt buộc không?

Chương trình mang tính bắt buộc khi 100% học sinh ở hai khối trên phải tham gia. Bởi, khi các em đi học trở lại, các trường học sẽ dạy tiếp chương trình, không dạy bù và dành thời gian ngắn để  ôn tập lại kiến thức cũ để các em bắt kịp. Tất nhiên không loại trừ một số em không tham gia được các bài học trên truyền hình. Sau khi đi học trở lại, các trường sẽ rà soát lý do chính đáng để bồi dưỡng kiến thức cho các em, đảm bảo 100% học sinh học đúng tiến độ chung.

Ông mong muốn điều gì để việc học trên truyền hình đạt hiệu quả?

Chúng tôi mong phụ huynh, học sinh và giáo viên ở các trường có sự phối hợp tích cực để các em đúng giờ phải ngồi vào bàn học với thái độ học tập nghiêm túc. Với cách duy trì nền nếp học tập sẽ giúp các em tiếp thu bài học tốt hơn trong mùa dịch kéo dài.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Huế Thu –Mỹ Ngọc (Thực hiện)