Những diễn tiến mới nhất từ COVID-19 cho thấy tác động ghê gớm của nó đối với nền kinh tế toàn cầu. Được dự báo có mức tăng trưởng chậm, kinh tế thế giới có thể rơi vào nguy cơ suy thoái nếu dịch COVID-19 kéo dài. Vấn đề là tác động này không chỉ dừng lại ở một lĩnh vực hay một vùng lãnh thổ nào.
Theo dự báo của các chuyên gia, với mức doanh thu vào khoảng gần 6 ngàn tỷ USD và khoảng 319 triệu việc làm, những tác động của COVID-19 đối với ngành du lịch sẽ là lớn hơn bất kỳ ngành nào khác trên thế giới khi đây là một ngành công nghiệp đa dạng. Bao gồm cả hoạt động của các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ tăng thêm và các chi phí cơ hội khác. Bên cạnh đó là những tác động khác đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, dẫn đến thị trường tài chính sụt giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, giảm giá năng lượng và sản xuất do nhu cầu tiêu thụ suy giảm. Tất cả những điều này có thể sẽ trở thành lực cản với nền kinh tế toàn cầu.
Những khó khăn này cũng đang hiện diện ở Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền các cấp đang nỗ lực phòng chống dịch và kiềm chế không để dịch lây lan và mục tiêu là ngăn chặn và dập được dịch. Trong sự vận hành chung, việc ổn định kinh tế, duy trì sự phát triển là điều đã được nhất quán. Tuy nhiên, việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho người dân bao giờ và lúc nào cũng được đặt lên trước hết. Chúng ta luôn kỳ vọng vào sự phát triển, nhưng tùy từng giai đoạn hay thời điểm để xác định mục tiêu trước mắt trong lâu dài.
Không ít nhà kinh tế hay lãnh đạo các doanh nghiệp đã gọi COVID-19 là phép thử của doanh nghiệp. Điều này được mô tả dựa trên việc tìm cách vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, tìm kiếm những dư địa mới cho cả cung và cầu hay bị khuất phục bởi chính những tác động ghê gớm của nó.
Trong một góc nhìn khác, tôi muốn gọi đây là thời kỳ chứng tỏ tiềm lực, bản lĩnh, sự can trường của những người đang đứng ở “đầu sóng ngọn gió” trong hoạt động kinh tế. Đương đầu một cách khó khăn là động từ được nhiều người chọn để diễn tả trạng thái mà họ và doanh nghiệp của họ đang phải trải qua. Và điều đó, hơn lúc nào hết cũng cần được sự chia sẻ của chính sách, sự đồng hành của người lao động.
Chính vì thế, tôi thích cách nghĩ của bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food khi cho rằng, trong khó khăn này, việc cần là thay đổi tầm nhìn qua khủng hoảng để dự đoán trước những khó khăn; tìm cơ hội mới cũng như điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp tình hình thực tế. Có thể điều đó cần được xem như một kháng thể để các doanh nghiệp được “điều trị” đến nơi đến chốn…
Minh Hà