Một giờ học online của Học viện Chính sách và Phát triển
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nền nếp, chất lượng.
Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.
Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch, Bộ GD-ĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT xem xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người.
Theo đó, văn bản của Văn Phòng Chính phủ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ:
Xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tại văn bản số 07/HH-VP đề ngày 2/3/2020 về việc kiến nghị khẩn cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và sớm có kiến về việc này.
Góp ý về giáo dục trong tương lai, GS.TS Nguyễn Hữu Châu, trường ĐH Giáo dục, ĐH QGHN cho rằng, Việt Nam có thể học các quốc gia phát triển là tăng cường việc học di động (Mobile learning) trong đó có việc học bằng điện thoại di động. Học bằng điện thoại di động, rất tiện ích với tất cả mọi người, vì có thể học mọi nơi, mọi lúc chỉ với chiếc điện thoại di động.
Học bằng điện thoại di động càng thích hợp với những vùng khó và học sinh khó khăn về tài chính khi các em rất khó có điều kiện để có một máy tính riêng mà chỉ có thể có điện thoại thông minh.
GS Châu dẫn chứng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê tỉ lệ dân số Việt Nam sử dụng smart phone là 30,1%.
Cũng theo số liệu thống kê của thế giới tỉ lệ người dân ở những nước nghèo sử dụng điện thoại di động để truy cập internet cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ này ở những nước giàu. Ví dụ, ở Đức chỉ có 8% người dân dùng điện thoại di động để truy cập internet, ở Indonesia tỉ lệ này là hơn 70%...
GS Châu cho rằng, ngành giáo dục nên đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các sách giáo khoa điện tử. Đặc biệt, nên tận dụng khai thác sử dụng ngay các công nghệ như radio, tivi trong cả thời kỳ phát triển ồ ạt các công nghệ mới. Điều này, đặc biệt có ý nghĩa đối với các vùng, miền khó khăn.
Dịch Covid-19 hiện nay, là cơ hội để ngành giáo dục Việt Nam đổi mới, áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào dạy - học theo thời đại công nghệ số.
Theo Dân trí