Cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp khiến tàu của ngư dân ra vào khó khăn

Khó khăn khi ra vào

Tại cửa biển Thuận An (Phú Vang) và Tư Hiền (Phú Lộc), nhiều năm nay ngư dân phải “sống chung” với việc luồng lạch ra vào bị bồi lắng, cạn dòng. Chủ phương tiện tàu cá luôn nơm nớp lo lắng khi lưu thông qua khu vực này.

Từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn khiến 2 tàu cá ở Vinh Thanh (Phú Vang) và một tàu ngoại tỉnh (Thanh Hóa) bị gặp nạn tại cửa biển Thuận An.

Đầu tháng 3/2020, tàu mang số hiệu TH 90178 TS, công suất 360 CV chở 11 thuyền viên do ông Ngô Văn Bảo (SN 1980, ở Thanh Hóa) làm thuyền trưởng, khi đang trên đường vào bờ, đến phao số 0 cửa Thuận An thì bị mắc cạn, sóng đánh vỡ mạn thuyền.

Trước đó, cuối tháng 2/2020, tàu TTH 95138 TS do ông Nguyễn Văn Bảo (34 tuổi, trú xã Vinh Thanh, Phú Vang) làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 thuyền viên đang trên đường vào bờ, đến phao số 2 cửa Thuận An thì bị mắc cạn, tàu va vào đá ngầm.

Nhận được thông tin, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An điều động phương tiện cùng các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm Kiểm soát Thuận An đến ứng cứu. Theo ngư dân, luồng lạch ra vào cửa biển Thuận An thường xuyên bị bồi lắng, tàu dễ mắc cạn. Khi tàu mắc cạn dễ va vào ghềnh đá làm gãy chân vịt hoặc vỡ mạn thuyền...

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, luồng lạch tại cửa Thuận An năm nào cũng cạn “đạt đỉnh” vào tháng 5,6 hàng năm; riêng năm nay, do thời tiết biến đổi khiến luồng lạch cạn sớm hơn, xảy ra các vụ tai nạn gây thiệt hại cho ngư dân. Hiện, đoạn phao số 2 đến phao số 4 là luồng cạn nhất. Công tác nạo vét tại cửa biển có triển khai nhưng nhanh chóng bị bồi lấp trở lại. Toàn thị trấn có 126 phương tiện tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90-1.000CV.

Tại cửa biển Tư Hiền (xã Vinh Hiền, Phú Lộc), tình trạng bồi lắng cửa cũng diễn ra mạnh mẽ khiến hàng trăm tàu cá của ngư dân ra vào cửa luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Từ cảng ra cửa Tư Hiền với chiều dài hơn 1km, nhưng tàu thuyền của ngư dân phải mất hơn 30 phút bởi họ phải đi theo hình zích zắc mới ra, vào cửa được. Thực tế, nhiều năm qua đã có nhiều vụ tai nạn chìm tàu gây thiệt hại về người và tài sản tại cửa biển này.

Nạo vét không hiệu quả

Những năm qua, việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải tại cửa biển Thuận An, Tư Hiền có triển khai. Tuy nhiên, sau khi nạo vét chỉ một thời gian ngắn là “đâu lại vào đấy”. Cuối năm 2019, Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc (Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT) tiến hành duy tu, nạo vét tổng khối lượng hơn 58.102m3 bùn đất ở khu vực cửa biển Thuận An.

Theo Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, luồng hàng hải Thuận An được công bố tại Quyết định số 1065/QĐ-CHHVN ngày 30/11/2012 của Cục Hàng hải Việt Nam với chuẩn tắc độ sâu - 4,5m. Từ năm 2014 tiến hành nạo vét, duy tu, đến năm 2019, khu vực luồng hàng hải Thuận An bị bồi lấp rất nhiều, ảnh hưởng đến điều kiện khai thác của các phương tiện thủy.

Hiện nay, đoạn luồng từ các phao số 0 đến phao số 4 dao động từ -2 đến -3m. Một số dải cạn có độ sâu nhỏ nhất -1,8m. Năm 2019, các đơn vị thi công tiến hành nạo vét tổng chiều dài toàn tuyến luồng 5,7km từ phao P0 đến phao P11 đầu vũng quay trước cảng Thuận An. Luồng tàu chiều rộng đáy 60m, cao trình nạo vét luồng -4,5m. Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngư dân cho biết, luồng lạch tại cửa Thuận An đang tiếp tục bị bồi lắng trở lại, cản trở hoạt động đánh bắt khi ra vào cửa biển.

Ông Nguyễn Ân Định, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế cho rằng, các tàu thuyền ra vào cửa Thuận An xảy ra tai nạn có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc do luồng lạch bị cạn, bồi lấp. Đối với tàu hàng, khi ra vào cửa biển đều có hướng dẫn của cảng vụ, tàu cá chủ yếu do phía Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An đảm nhận.

Cửa biển Thuận An với đặc thù điều kiện địa lý, dòng chảy nên việc bồi lấp diễn ra thường xuyên và sau khi nạo vét nhanh chóng bị bồi lấp trở lại. Thông thường, các cửa biển hàng năm phải tiến hành nạo vét 2 lần mới đảm bảo an toàn hàng hải. Đối với cửa Thuận An do nguồn kinh phí khó khăn nên việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải không được tiến hành thường xuyên.

Theo ông Định, do tính phức tạp của luồng Thuận An thường xuyên biến động, bồi lấp, thay đổi hướng tuyến nên giải pháp căn cơ hiện nay là phải xây kè chỉnh trị dòng chảy làm cho quá trình bồi lấp diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, giải pháp này tốn rất nhiều kinh phí. Năm 2008, dự án xây kè chỉnh trị dòng chảy ở cửa Thuận An triển khai giai đoạn 1. Giai đoạn 2 hiện nay do nguồn kinh phí còn khó khăn nên vẫn chưa triển khai.

Tại cửa biển Tư Hiền, năm 2017, Công ty CP Khai thác khoáng sản 55 tiến hành nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn. Tuy nhiên, do đơn vị này chỉ “chăm chăm” lấy cát nhiễm mặn xuất khẩu nên hiệu quả nạo vét không cao, chỉ sau thời gian ngắn, luồng lạch ở đây đã bị bồi lắng trở lại.

Hệ thống cầu cảng Thuận An (Công ty CP Cảng Thuận An quản lý) theo thiết kế tiếp nhận được tàu đến 3.200 tấn. Nhiều năm nay do luồng lạch bị bồi lắng, hạn chế độ sâu nên hiện nay cảng chỉ đáp ứng những tàu tải trọng dưới 1.500 tấn. Việc cảng luôn bị bồi lấp, thường xuyên ở ngưỡng 3m chưa đáp ứng được nhu cầu của chủ hàng và chủ tàu là nguyên nhân hạn chế lượng hàng thông qua cảng.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH