Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesu. Ảnh: Reuters/VOV

Trong cuộc họp báo tại trụ sở WHO, Tổng giám đốc WHO - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong hai tuần qua, số ca mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gấp 3 lần. Trong những ngày tới và tuần tới, dự kiến số trường hợp nhiễm bệnh, số ca tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tăng cao hơn nữa.

Theo ông Tedros, trong khi một số quốc gia thể hiện khả năng ngăn chặn và kiểm soát tốt ổ dịch, một số các nhà lãnh đạo thế giới khác đã không hành động đủ nhanh hoặc đủ mạnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về mức độ đáng báo động của sự lây lan và tính nghiêm trọng, cũng như cả việc không hành động… Do đó, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng COVID-19 có thể được mô tả như một đại dịch”, Tổng giám đốc WHO Tedros nói với các phóng viên ở Geneva hôm qua. 

Các chuyên gia y tế toàn cầu nói rằng việc tuyên bố một đại dịch sẽ có tác động chính trị và kinh tế lớn. Tuyên bố này có thể tiếp tục gây lo ngại cho thị trường thế giới vốn đã mong manh và dẫn đến những hạn chế đi lại và hạn chế thương mại nghiêm ngặt hơn. Các quan chức của WHO đã phải rất cân nhắc để tuyên bố một đại dịch toàn cầu, khi điều này thường được định nghĩa là một bệnh lan rộng khắp thế giới.

Quảng trường Duomo ở Milan, Italy vắng vẻ do dịch COVID-19. Ảnh: Reuters/VOV

Với COVID-19, số ca mắc và tử vong thay đổi hàng giờ. Tính đến sáng nay (12/3), thế giới đã có 126.122 người nhiễm virus Corona, với 4.616 ca tử vong, heo thống kê từ Worldometers. Đáng chú ý, trong khi số ca nhiễm và ca tử vong mới tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc có chiều hướng giảm, thì sự lây lan ở các nước châu Âu và vùng Vịnh đang trở nên rất đáng lo ngại, trong đó Italy và Iran là hai ổ dịch COVID-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, với số người nhiễm mới và số ca tử vong đều tăng cao kỷ lục.

Lần cuối cùng WHO tuyên bố đại dịch là trong đợt dịch cúm H1N1 năm 2009. Tổng giám đốc Tedros cho biết đây là lần đầu tiên một chủng của virus Corona gây ra đại dịch. Sự bùng phát dịch SARS năm 2002-2003, cũng do một loại virus Corona, đã được ngăn chặn đủ để tránh trở thành đại dịch.

Nhiều biện pháp giảm tác động của dịch bệnh

Virus SARS-CoV-2, bứt đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, hiện đã lan rộng đến 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã làm gián đoạn nhiều ngành công nghiệp, nhiều chuyến bay bị đình chỉ, trường học đóng cửa và nhiều sự kiện thể thao, nghệ thuật lớn cũng bị huỷ bỏ hoặc hoãn lại.

Trước những động thái của WHO, Anh và Italy đã công bố những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước trị giá hàng tỷ USD để chống lại những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh này. Mỹ cũng tuyên bố đang xem xét các bước đi mới.

Được biết, Ngân hàng Trung ương Anh, cùng với ngân hàng quốc gia của các nước khác đã cắt giảm lãi suất cơ bản, và công bố hỗ trợ cho vay ngân hàng. Trong khi đó, Mỹ - nơi chỉ số chứng khoán S & P 500 giảm gần 4%, cho biết các biện pháp của nước này có thể bao gồm giảm thuế, bơm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế trong nước.

Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh ở châu Âu là cực kỳ cao. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, nếu không có thuốc chưa, có tới 70% dân số Đức có nguy cơ nhiễm bệnh do virus lây lan khắp thế giới.

Theo Reuters, 8,1 nghìn tỷ USD giá trị đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng gần đây.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & CNBC)