Du khách và nhân viên các nhà hàng trên phố Tây đeo khẩu trang khi trao đổi thông tin, trò chuyện. Ảnh: PHAN THÀNH

Chuyện người dân đi mua hàng ở chợ, ở siêu thị về trữ nhà để ăn dài ngày, có nhiều cái nhìn quá khắt khe về vấn đề này, ví như: “làm gì mà xoắn lên như thế”, “người tây cũng tranh giành mua hàng hóa để trữ chứ chẳng riêng gì ta…”. Riêng tôi thì muốn nhìn nhận hành vi này như là một sự chủ động phòng chống dịch – tránh đến nơi đông người; phòng bệnh cho mình cũng chính là góp một tay phòng bệnh cho cộng đồng – thế cũng là hay!

Đó là người dân. Còn với tỉnh, các phương án về phòng chống dịch đã được xây dựng từ trước, có những kịch bản hết sức cụ thể. Một bệnh viện có khu vực dành riêng đủ khả năng tiếp nhận người bệnh, đó là BV Trung ương Huế, cơ sở 2. Từ ngày 27/1/2020 đã bắt đầu tổ chức thực hiện theo dõi, giám sát dịch COVID-19 tại tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, tại cộng đồng và kiểm dịch y tế quốc tế tại Cảng Chân Mây, Thuận An, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, cửa khẩu Hồng Vân, A Đớt huyện A Lưới. BV Trung ương Huế, cơ sở 2 đã có hơn 50 giường bệnh cách ly phục vụ cho việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân và trước đó, đã tổ chức diễn tập theo các tình huống giả định. Có cả phương án, trong tình huống xấu nhất sẽ biến nơi này với hàng trăm giường bệnh thành khu cách ly hoàn toàn…

Toàn thể hệ thống chính trị, với chức năng nhiệm vụ của mình được huy động tối đa cho khâu phòng chống dịch. Riêng doanh nghiệp cũng chung tay làm điều này. Ví dụ như Công ty cổ phần Dệt may Huế đã bố trí mỗi nhà máy may một đội để may khẩu trang đủ tiêu chuẩn y tế, cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận. Trường cao đẳng Công nghiệp Huế sản xuất nước rửa tay diệt khuẩn và phát miễn phí cho người dân…

“Soát xét” lại, thấy mới bước vào đầu năm 2020 mà đã va vấp với quá nhiều biến động – trên thế giới cũng như trong nước. Có nhiều thứ mang tính khu vực; và cũng có những thứ mang tính toàn cầu: chiến tranh thương mại; dịch bệnh trên gia súc gia cầm và giờ là dịch bệnh trên người. Thế mới biết, có những thứ, từng mỗi quốc gia khó lòng mà giải quyết được. Dịch tả lợn châu Phi làm thiệt hại trực tiếp cho người nông dân. Giờ lại thêm dịch H5N1, H5N6. Khi dịch đi qua, nó tác động lên giá cả làm ảnh hưởng đến toàn xã hội. Miền Bắc thì nhiều nơi hứng chịu mưa đá trong khi đó nhiều nơi ở miền Nam và Nam Trung bộ hứng chịu hạn mặn khốc liệt; Tây Nguyên nơm nớp lo cháy rừng… Và có những cảnh báo gần, có thể miền Trung sẽ gặp đợt hạn nặng, trong đó có Thừa Thiên Huế chúng ta.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy, Thừa Thiên Huế đang đối diện với nhiều khó khăn trong năm 2020. Ngân sách có thể hụt thu. Phòng chống dịch trên người nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tâm thế để phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm và cũng “sắm” phương án cho “chống dịch” trên cây trồng (tình hình hạn hán). Thậm chí là chuẩn bị phương án để bù đắp kiến thức cho học sinh sau một đợt nghỉ dài ngày. Có quá nhiều việc phải lo. Nhưng, như trên đã nói, chúng ta đã nhìn thấy một sự đồng lòng cao độ của cộng đồng, của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, nói chung là toàn xã hội. Ngay cả thời tiết ấm dần lên và nền nhiệt đủ để ngăn sự xâm nhập và lây lan của COVID-19 cũng đang “đồng lòng” cùng Thừa Thiên Huế. Không có sức mạnh nào mãnh liệt và bền bỉ như sức mạnh toàn dân. Chúng ta đã có điều này, nên chúng ta có quyền và hy vọng về sự chiến thắng dịch bệnh!

LÊ PHƯƠNG