Bởi có một người bà con với tôi, giàu hay khá không rõ nhưng chắc là có tiền, trong nhà chẳng thấy chim thấy cá, chỉ thấy… đồ cổ. Chưa phải là nhiều lắm, nhưng lâu lâu lại thấy ông khuân về một món, cứ pha ấm trà, ngồi nhâm nhi ngắm nghía, mân mê tỉ mẩn, mặt mày như giãn ra…

Điều hơi lạ là dân chơi cổ ngoạn thường có xu hướng chơi theo từng bộ sưu tập. Có người chơi gốm sứ, nào Chu Đậu, nào đời Minh, đời Thanh, ký kiểu…; có người lại thích sưu tập các bộ chân đèn, bình vôi, người khác thì tập trung đồng hồ… Còn ông thì tùm lum cả, món này chút, món kia chút, chả biết thuộc “trường phái” nào.

Một bận, ngồi uống trà cùng nhau, biết là hơi khiếm nhã nhưng tôi cứ tình thiệt mà ướm hỏi ông về cái sự khó hiểu kia. Cứ sợ ông phật lòng, chẳng dè ông cười hào sảng: “Đồ cổ gì tôi mà đồ cổ anh ơi. Chỉ là cứ thấy món đồ nào thân thương, gắn bó với hình ảnh gia đình tôi, với sinh hoạt ngày xưa của ông bà, cha mẹ tôi là tôi mua. Mang nó về nhà như tìm lại chút hơi ấm người thân, để nhớ về tình cảm gia đình, truyền thống gia đình mà nâng niu, trân quý nó. Rồi từ món đồ đó, mình kể với con, với cháu, nhắc nhở và thổi vào chúng nề nếp gia phong thiêng liêng để mong chúng cũng biết quý trọng, biết giữ gìn,… Những món đồ ấy, mình mua bao nhiêu cũng thấy rẻ…”. Nghe ông nói, tôi như nổi gai ốc toàn thân. Thì ra, đằng sau cái vỏ vật chất ấy, những giá trị phi vật thể đọng lại có khi còn đáng giá gấp nhiều lần…

Mới đây, tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lần thứ 19, tôi hết sức thú vị khi lại được nghe ý kiến khá tương đồng từ GS. Trần Hữu Dàng khi ông góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị của Tỉnh ủy trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội tiến hành sau khi có Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cho Thừa Thiên Huế cho nên câu chuyện về di sản được nhiều người quan tâm. Góp ý của GS. Trần Hữu Dàng đề nghị bên cạnh các di sản vật thể, tỉnh cần lưu ý bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Bởi theo GS. Dàng, chính văn hóa phi vật thể là tác nhân rất quan trọng trong việc hình thành những giá trị nhân văn, những giá trị văn hóa quý báu của vùng đất Cố đô. Vậy nhưng rất tiếc, việc quan tâm, phát huy mảng văn hóa phi vật thể trong thời gian qua hình như không đủ mạnh như mong muốn...

Di sản vật thể thì có thể nhìn thấy, cầm nắm, dĩ nhiên sự quan tâm, tác động sẽ dễ dàng hơn. Phi vật thể thì trừu tượng, không dễ “nắm bắt” nên việc quan tâm, tác động đương nhiên cũng khó khăn và khó thường xuyên, đó là điều dễ hiểu. Phát biểu của GS. Trần Hữu Dàng như góp thêm một lời nhắc nhở, mong không chỉ cơ quan hữu quan mà ngay chính mỗi gia đình đều phải biết quan tâm những giá trị văn hóa phi vật thể mà các thế hệ tiền nhân đã hun đúc, trao truyền. Nếu được phát lộ và tôn vinh, những giá trị này sẽ là hệ quy chiếu quan trọng để soi rọi, làm rõ những câu hỏi như đang “đánh đố” không ít người: Bản sắc văn hóa Huế, bản sắc con người Huế là gì?...

Trả lời được những câu hỏi đó, lộ trình phát triển của tỉnh theo tinh thần 54 hẳn sẽ mạch lạc và tự tin thật nhiều.

DIÊN THỐNG