Những kệ hàng trống rỗng tại siêu thị Woolworths, Australia. Ảnh minh họa: AP/TTXVN

Hoảng loạn mua hàng nổi lên như một “đặc điểm” của dịch bệnh COVID-19, giống như sốt hay ho khan.

Các nhà tâm lý học nhận định, việc kiểm soát là một nhu cầu cơ bản của con người. Với một căn bệnh mà khả năng truyền nhiễm cao và có thể gây tử vong, dịch bệnh này phá vỡ cảm giác kiểm soát. Trừ khi các nhà hoạch định chính sách có thể tìm cách để khôi phục cảm giác đó, chu kỳ hoảng loạn mua, tích trữ hàng hoá và khan hiếm sẽ chỉ tiếp tục leo thang.

“Mọi người thực sự không được chuẩn bị tâm lý để xử lý điều này. Vì vậy, sự việc trở nên tồi tệ hơn đối với nhiều người về sự không chắc chắn, và sau đó họ làm bất cứ điều gì họ cần làm để cố gắng và lấy lại sự kiểm soát”, ông Andrew Stephen, giáo sư Marketing tại Trường kinh doanh Said của Đại học Oxford (Anh) cho hay.

Việc hoảng loạn mua hàng đang đe dọa gây ra những thiệt hại thực sự. Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Jerome Adams đã lên tiếng kêu gọi người Mỹ ngừng mua khẩu trang để đảm bảo các nhân viên y tế có khẩu trang để dùng, trong khi Nhật Bản tuyên bố sẽ đưa ra các hình phạt đối với hoạt động bán lại khẩu trang.

Hoảng loạn sớm

Là một trong những nơi đầu tiên virus bùng phát, Hồng Kông vào cuối tháng 1 đã trở thành một trường hợp nghiên cứu thực tiễn về việc mua hàng hoảng loạn có thể leo thang như thế nào. Khi Rona Lai, một cô gái 23 tuổi làm việc trong ngành dịch vụ tài chính, lần đầu tiên được cấp trên yêu cầu làm việc tại nhà, cô đã tích trữ lương thực dùng trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, khi các báo cáo từ Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng và những kệ hàng trong siêu thị cạn kiệt, cô bắt đầu sốt sắng tích trữ thực phẩm.

Sau đó, những tin đồn bắt đầu cho rằng, nguồn cung giấy vệ sinh của Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lan rộng ở Trung Quốc, nơi Hồng Kông nhập khẩu hầu hết hàng hóa. Vì vậy, khi Rona Lai nhận thấy các cửa hàng cũng đang hết sạch giấy vệ sinh, cô đã tham gia việc mua hàng. Bây giờ, các cuộn giấy vệ sinh chiếm toàn bộ ghế sofa của cô, và khăn giấy, chất tẩy rửa, thức ăn nhẹ được xếp dưới bàn ăn. “Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài chống lại virus”, cô Rona Lai nói thêm.

Việc hoảng loạn mua hàng tương tự thường xảy ra trước những trận bão và bão tuyết; tuy nhiên, bản chất toàn cầu của sự lây lan của COVID-19, cùng với việc tiếp cận thông tin qua phương tiện truyền thông xã hội cho thấy, sự hoảng loạn hiện nay đang lan truyền theo cách chưa từng xảy ra trong các dịch bệnh trước đây, như dịch SARS năm 2003 do một loại virus tương tự gây ra.

Có thể thấy, sự lây lan của căn bệnh này sang nhiều quốc gia dường như đang đi kèm với những tin đồn từ Hồng Kông về tình trạng thiếu giấy vệ sinh sắp xảy ra. Không lâu sau khi các trường hợp nhiễm COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Singapore, thì giấy vệ sinh cũng bắt đầu biến mất. Ở Australia, số lượng người bị buộc tội liên quan đến giấy vệ sinh dẫn đến đánh nhau ngày càng tăng, khi các từ khoá như #toiletpapercrisis (khủng hoảng giấy vệ sinh) là xu hướng được nhiều người dân Australia quan tâm.

“Ngay cả những người đang xếp hàng trong siêu thị để mua giấy vệ sinh, họ cũng không biết tại sao họ lại mua giấy vệ sinh. Họ chỉ nhìn thấy những người khác làm điều đó và bắt đầu tự làm theo, bởi vì họ sợ rằng họ có thể thua thiệt”, ông Andy Yap, một giáo sư về hành vi tổ chức tại trường kinh doanh INSEAD ở Singapore cho biết.

Dập tắt sự hoảng loạn này đồng nghĩa với việc đảm bảo người dân có đủ giấy vệ sinh, nhưng điều quan trọng hơn có thể là khiến mọi người tin rằng, tình hình nói chung được kiểm soát, ông Andy Yap lưu ý.

Tìm kiếm sự bình tĩnh

Mặc dù ban đầu, Singapore cũng đối mặt với những kệ hàng trống rỗng, mọi thứ quay trở lại bình thường sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra một thông điệp video nêu rõ các bước mà người dân có thể thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của virus. Ông đảm bảo với họ rằng, có đủ nguồn cung hàng hóa cơ bản. Sau thông điệp này, các biện pháp kiểm soát rộng rãi đã được đưa ra.

“Đây là thông tin giúp mọi người lấy lại sự kiểm soát”, giáo sư Andy Yap nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các nhà xã hội học cũng đánh giá các quốc gia khác nhau về các số liệu, như mức độ cá nhân hay cộng đồng của họ, họ thường tin tưởng nhau và Chính phủ như thế nào. Bà Amy Dalton, giáo sư Marketing tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, chuyên nghiên cứu về tâm lý người tiêu dùng cho thấy, nhiều xã hội cộng đồng, nơi mọi người có nhiều niềm tin vào nhau và Chính phủ, như Singapore, được trang bị tốt hơn để đối phó với những sự việc như dịch bệnh.

LÊ THẢO

Lược dịch từ Bloomberg & The Jakarta Post)