Chim triết bị người dân sắn bắt

Nguy cơ từ “mồi nhậu”

Đến những cánh đồng lúa, rú, rừng ngập mặn vào những buổi sáng sớm hay chiều tối sẽ bắt gặp một số loài chim tự nhiên như cò, vạc, triết… bay đến trú ngụ và tìm kiếm thức ăn. Đây cũng là thời điểm vắng người qua lại và là cơ hội cho một bộ phận người dân tìm đến săn bắt làm “mồi nhậu”, thậm chí bán cho một số hàng quán. Điều này khiến một số loài chim quý vốn một thời tồn tại, sinh sôi nay đã biến mất, hoặc số lượng đàn còn rất ít.

Cứ mỗi lần thiếu mồi nhậu, hay “thèm thịt chim trời”, anh Nguyễn T. ở xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) lại ra đồng săn bẫy. T. nghĩ rằng chỉ săn bắt vài con chim để làm mồi nhậu không ảnh hưởng gì lớn đến môi trường sinh thái, bảo tồn động vật hoang dã nên thỉnh thoảng ra đồng hay tìm đến các rú, lùm cây bắt bẫy chim. Nếu ai cũng nghĩ “vô tư” như T., ngày ngày mỗi người săn bắt vài con sẽ có nhiều con chim “biến mất”, nhất là vào mùa sinh sản thì nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao.

Một số lãnh đạo địa phương thừa nhận, mặc dù đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động đế tận các khu dân cư, hộ gia đình nhưng tình trạng săn bắt chim trời vẫn còn tái diễn. Điều này cho thấy ý thức bảo tồn động vật hoang dã nói chung, chim tự nhiên nói riêng của một bộ phận người dân còn thấp. Cán bộ địa phương không thể thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nên khó ngăn chặn triệt để nạn săn bắt “chim trời”.

Rú Chá một thời vốn bình yên và là “ngôi nhà chung lý tưởng” cho nhiều loài chim đến nghỉ ngơi, trú ngụ sau một ngày tìm kiếm thức ăn. Từ khi nạn săn bắt “chim trời” rộ lên, các loài chim dần “mất hút” khỏi rú Chá.

Ông Nguyễn Ngọc Đáp ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX. Hương Trà), người canh rú Chá  kể: “Ngày trước có nhiều loài chim đến đây trú ngụ. Vào mỗi chiều tối, những đàn cò đậu trắng cả một vùng rú Chá. Các loài chim như vạc, triết và một số loài chim quý cũng bay đến tìm kiếm thức ăn. Một mình canh giữ rú “không xuể” nên khó kiểm soát, ngăn chặn triệt để nạn săn bắt khiến nhiều loài chim không còn hiện diện tại đây, số đàn cò trắng không còn nhiều như trước”.

Giết thịt "chim trời" 

Sinh sống bên bờ phá Tam Giang, ông Nguyễn Ngọc Thảo ở xã Quảng Thái (Quảng Điền) một thời chứng kiến sự “phồn thịnh” của các loài chim tại vùng cửa Lác, Ô Lâu. Vùng đập cửa Lác một thời còn hoang sơ, chưa có nhiều sự tác động của con người nên vẫn còn tồn lưu nhiều loài chim có giá trị. Hai bên đập, cây cỏ lác mọc um tùm, cao quá đầu người là điều kiện ưu đãi, nơi quần tụ nhiều loài chim quý hiếm.

Ông Thảo không nhớ cụ thể có bao nhiêu loài chim bản địa, di trú ở đây, nhưng vẫn còn nhớ những cái tên mà giờ đây khi nhắc đến có vẻ “xa lạ” như sâm cầm, móng két... Số lượng các loài chim quý này tuy không nhiều nhưng người dân thường bắt gặp mỗi khi ra đồng. Còn các loài gà nước, cò, vạc thì vô số. Mỗi lần chúng đến tìm kiếm thức ăn, hay trú ngụ thì vùng vửa Lác thường phủ một màu trắng xóa.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Điền, một thời tại vùng cửa Lác có gần 60 loài chim, trong đó đầu vàng, móng két, sâm cầm, chắt chân đỏ, già đẫy, ngỗng trời... chiếm số lượng khá lớn. Chim già đẫy thuộc loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và 22 loài khác nằm trong diện bảo vệ nghiêm ngặt của châu Âu.

Từ hơn 10 năm nay, các loài chim quý hiếm này rất ít khi xuất hiện tại vùng cửa sông Ô Lâu, đập cửa Lác. Sự “ra đi” của các loài chim là điều tất yếu khi nạn săn bắt phổ biến, không thể ngăn chặn triệt để; một phần những tài nguyên được xem như “tổ ấm” của chúng bị phá vỡ do người dân khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. 

Cán bộ phải nêu gương

Chim bị dính bẫy

Không chỉ ở các vùng ngập nước, rừng ngập mặn, tình trạng săn bắt “chim trời” ở các khu rừng trên địa bàn tỉnh cũng khá phổ biến, khó ngăn chặn triệt để. Ông Trần Quốc Hùng, Phó Ban Quản lý Rừng phòng hộ bắc Hải Vân thừa nhận, vẫn còn nhiều người dân lén lút vào rừng săn bắt động vật hoang dã, trong đó có “chim trời”.

Các lực lượng của rừng phòng hộ bắc Hải Vân đang tổ chức, phân công lực lượng bám địa bàn, tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn người dân vào rừng săn bắt; đồng thời kiểm tra, phát hiện và tháo gỡ các loại bẫy thú, bẫy chim. Cán bộ kiểm lâm trong quá trình kiểm tra, giám sát kết hợp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong quản lý, bảo tồn động vật hoang dã nói chung và các loài chim nói riêng; đặc biệt là các loài chim quý hiếm, trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ đã có chỉ thị, yêu cầu các ban ngành tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời trên địa bàn. Trước tiên phải nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức ăn thịt “chim trời” để làm gương cho mọi người. Theo đó, các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, bẫy các loài “chim trời” trong các khu dân cư, công viên, các ao, hồ, đầm phá... 

Các lực lượng phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, các loài tự nhiên; đồng thời tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài “chim trời”...

Các ngành tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công an phối hợp với các địa phương lập kế hoạch, quy chế phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về săn bắn, bẫy, mua bán, vận chuyển các loài “chim trời” theo quy định. Công an tỉnh đang tổ chức, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, xử lý các đối tượng sử dụng các loại súng bắn, súng tự chế để sắn bắt chim…

Bài, ảnh: Hoàng Triều