- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế:Theo quy định tại khoản 1, điều 141 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên; đồng thời, khoản 1, điều 144 BLDS cũng quy định: “Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Do đó, chị sẽ là người đại diện cho các con (chưa thành niên) của chị thực hiện mọi giao dịch liên quan đến con chị và vì lợi ích của các cháu.

Theo quy định tại điều 7 Luật thi hành án Dân sự (THADS) thì “Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án”; đồng thời, điều 6, Luật THADS cũng quy định về việc thoả thuận thi hành án như sau:
 
“1. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án.
 
2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan THADS thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.
 
Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật THADS quy định việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của UBND cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.
 
Như vậy, yêu cầu thi hành án là quyền của các đương sự. Tuy nhiên, quá trình thi hành án, bên được yêu cầu và bên phải thực hiện nghĩa vụ có quyền thỏa thuận với nhau về việc thi hành án (nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật thì sẽ được công nhận).
 
Nếu vụ việc của chị đang được cơ quan THADS giải quyết mà chị và người phải thi hành án (người gây tai nạn) thỏa thuận về việc thực hiện thi hành án một lần thì chị có quyền yêu cầu chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận này hoặc có đơn yêu cầu cơ quan THADS không tiếp tục giải quyết nữa. Cụ thể, tại điểm c, điều 50 Luật THADS cũng quy định về các trường hợp đình chỉ thi hành án; trong đó, có trường hợp “Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan THADS không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”.
 
Nếu chị chưa yêu cầu cơ quan THADS giải quyết thì chị và người phải thi hành án tự thỏa thuận và tự thực hiện theo quy định chúng tôi nêu trên.
 
Bùi Vĩnh (ghi)