Y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện xét nghiệm nCoV

Kể từ khi ca số 17 xuất hiện, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19 và diễn biến dịch tại Việt Nam thay đổi nhanh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình.

“Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đặt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra”, Thủ tướng Chính phủ nói tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, ngày 13/3.

“Khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba là phương châm hành động, là quyết tâm của chúng ta”, Thủ tướng nêu rõ. Cần chuẩn bị khẩn trương các điều kiện chống dịch, cần phản ứng nhanh và có hiệu quả, hành động kịp thời, bình tĩnh và đúng đắn, đặc biệt, các cấp, các ngành và toàn dân không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát.

“Chúng ta phải đưa ra mục tiêu và cam kết đẩy lùi dịch bệnh và làm mọi việc để người dân yên tâm, an toàn. Vì thế, chúng ta đã có kịch bản cụ thể và nâng tầm kịch bản lên, sát với thực tế, kể cả việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa. Vì vậy, phải tìm mọi biện pháp hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm. Phải khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng đúng quy trình khẩn cấp, kịp thời. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch. Phải tuyên truyền đến từng người dân hiểu được phương pháp phòng chống cho cá nhân, cho gia đình và cộng đồng một cách tốt nhất.

Thủ tướng yêu cầu, sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh như trong dạy học, ứng dụng khoa học-công nghệ trong tìm nguồn lây nhiễm vào Việt Nam… Phải tập trung bác sĩ giỏi, phương tiện đầy đủ để chữa trị cho người mắc COVID-19, để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong có thể xảy ra.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, chiều 13/3, Ban tổ chức giải đua xe công thức 1 (F1) thông báo hoãn hai chặng đua tại Bahrain và Việt Nam. Theo đó, trên cơ sở bàn bạc, thảo luận đồng thuận của tất cả các bên (Chủ tịch tập đoàn F1, Chủ tịch FIA, Giám đốc Công ty Việt Nam Grand Prix và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội) đã đi đến thống nhất: Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mọi người dân, sự an toàn cho các thành viên của các đội đua, Ban tổ chức và cộng đồng giới hâm mộ; Ban tổ chức quyết định hoãn chặng đua tại Hà Nội theo lịch đã công bố sẽ diễn ra từ ngày 3 - 5/4/2020.

Hiện nay, Việt Nam đã triển khai ứng dụng NCOVI cho phép người dùng khai báo thông tin sức khỏe tự nguyện, theo dõi và cập nhật thông tin khu vực có dịch, giúp các cơ quan chức năng phòng và chống dịch COVID-19. Ứng dụng NCOVI do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp cùng VNPT và các doanh nghiệp viễn thông trong nước xây dựng và phát triển với mục tiêu cho phép người dân khai báo thông tin y tế đồng thời tiếp cận được các thông tin nhanh chóng về dịch bệnh COVID-19. 

Để làm được việc này, người dân cần trung thực, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi khai báo thông tin trên NCOVI. Thông tin do người dân cung cấp qua NCOVI được bảo vệ theo quy định pháp luật Việt Nam. Dữ liệu được lưu trữ và bảo mật tuyệt đối và sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khoẻ phòng chống dịch bệnh. Người dùng có thể tải ứng dụng NCOVI tại địa chỉ: https://onelink.to/3e6wap (áp dụng cho hệ điều hành Android và iOS), thực hiện khai báo thông tin thông tin sức khỏe của bản thân và gia đình mọi lúc, mọi nơi.

Một chức năng quan trọng của ứng dụng NCOVI là khai báo yếu tố nguy cơ. Những người đi từ vùng dịch, đã tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, cần phải khai báo yếu tố nguy cơ để được hỗ trợ kịp thời từ cơ quan y tế. Sau khi hoàn tất các bước khai báo, người dùng hãy sử dụng chức năng theo dõi sức khỏe để cập nhật nhanh các triệu chứng khả nghi. Thông qua cập nhật thông tin sức khỏe hàng ngày với các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi… người dùng có thể chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình.

Cũng trong ngày 13/3, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cưởng khẳng định: “Lương thực và thực phẩm trong nước đang dồi dào, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và thậm chí vẫn đạt chỉ tiêu xuất khẩu trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay”.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp, ngay cả thịt lợn, dù chịu ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi suốt năm 2019 nhưng tổng đàn trên cả nước vẫn đạt gần 24 triệu con. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) nhận định, với tốc độ tăng đàn, tái đàn như hiện nay, chăn nuôi sẽ là “cứu cánh” cho ngành nông nghiệp trong năm 2020 và bảo đảm thị trường nội địa sẽ không thiếu nguồn cung các loại thịt. Trong 3 tháng qua, dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực cho ngành nông nghiệp. Minh chứng rõ nhất là nhiều mặt hàng nông sản không thể xuất khẩu, tiếp tục sử dụng giải pháp tình thế là kêu gọi người tiêu dùng giải cứu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bộ cùng với các bộ, ngành liên quan sẽ sát cánh cùng các địa phương phát triển thị trường mới cho các mặt hàng nông sản chủ lực, có khả năng cạnh tranh như vải Bắc Giang, tôm Bạc Liêu… Riêng với dưa hấu của tỉnh Bình Định, Bộ trưởng đề nghị địa phương này chuyển đổi sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò, thực tế cũng rất cần nguồn cỏ chăn nuôi, trong khi dưa hấu nhiều năm qua đều rơi vào tình cảnh phải kêu gọi giải cứu.

Khẳng định ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh, thiên tai nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lạc quan cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì con người vẫn có nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Do vậy, ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát. Cần tập trung thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn, cung ứng thực phẩm trong mọi hoản cảnh; tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh không để phát sinh, không để thực phẩm leo giá và đặc biệt, không để tình trạng trục lợi. Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, tìm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu sau dịch bệnh được kiểm soát. 

Theo baotintuc.vn