Cảnh sát Italy đang kiểm tra thông tin hành khách. Ảnh: Getty Images/VTV

Theo ông Guterres, đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa từng có trong cuộc sống, việc cảm thấy lúng túng và lo lắng là điều dễ hiểu. Và mặc dù những tác động về kinh tế và xã hội sẽ ảnh hưởng đến hầu hết người dân ở khắp nơi trong nhiều tháng tới, đây là lúc thế giới cần cẩn trọng nhưng không hoảng loạn, đồng thời dựa vào khoa học và sự thật chứ không phải sự sợ hãi để có giải pháp tốt nhất chống đại dịch.

Không một quốc gia nào có thể hành động đơn lẻ

Đại dịch vẫn có thể được kiểm soát, ngăn ngừa sự lây lan và bảo vệ mạng sống người dân, nhưng để đạt được điều đó cần có hành động của nhiều cá nhân, nhiều quốc gia và của cộng đồng quốc tế, Tổng thư ký Guterres khẳng định.

Theo đó, thế giới cần thực hiện các chiến lược ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả; kích hoạt và tăng cường hệ thống ứng phó khẩn cấp; nâng cao năng lực xét nghiệm và chăm sóc cho bệnh nhân; chuẩn bị sẵn sàng cho các bệnh viện, và phát triển các biện pháp can thiệp y tế có thể cứu sống bệnh nhân hiệu quả.

“Cuộc khủng hoảng lần này đã cho thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, trong đó các chính phủ cần hợp tác để hồi sinh nền kinh tế, mở rộng đầu tư công và đảm bảo hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất”, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh.

WHO ra mắt Quỹ đoàn kết đối phó với đại dịch

Trong khi đó tại Geneva, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ra mắt Quỹ Đoàn kết đối phó với dịch COVID-19 (COVID-19 Solidarity Response Fund) do Quỹ Liên hiệp quốc (UN Foundation) và Quỹ từ thiện Thụy Sĩ (Swiss Philanthropy Foundatio) thành lập, nhằm giúp các cá nhân, tập đoàn và tổ chức tư nhân ở bất cứ đâu trên thế giới dễ dàng kết hợp với nhau hơn trong việc đóng góp trực tiếp chống lại đại dịch.

Theo WHO, nguồn quỹ huy động được sẽ dành cho các hành động có trong Kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược đối với COVID-19 của WHO, nhằm cho phép tất cả các quốc gia chuẩn bị và ứng phó với khủng hoảng – nhất là những nước dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao nhất, với các hệ thống y tế yếu nhất.

Nguồn quỹ cũng sẽ hướng tới tài trợ cho việc mua thiết bị bảo vệ cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu; trang bị phòng thí nghiệm chẩn đoán; cải thiện việc giám sát và thu thập dữ liệu; cùng các bước quan trọng khác cần được thực hiện.

“Cộng đồng ở khắp mọi nơi bị ảnh hưởng và mọi người muốn đóng góp. Quỹ mới này sẽ tạo không gian cho mọi người ở khắp nơi cùng chung tay để chống lại đại dịch này”, bà Elizabeth Cousens, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ LHQ cho biết.

Theo WHO, Quỹ đã nhận được cam kết hỗ trợ từ các công ty lớn như Google và Facebook trong việc lập ra một chương trình phù hợp cho các đóng góp được huy động thông qua nền tảng của họ.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN & WHO)