Chuẩn bị chu đáo, sàng lọc chặt chẽ
Trong việc lựa chọn những người tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, yêu cầu hàng đầu là phải đặc biệt coi trọng chất lượng cán bộ. Đó phải là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, có năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nguồn cán bộ cần được chủ động quy hoạch, có năng lực, triển vọng phát triển, được bồi dưỡng, đào tạo cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, được luân chuyển, rèn luyện trong thực tiễn để xem xét, lựa chọn giới thiệu tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Tiêu chuẩn cho cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã được quy định trong nhiều văn kiện gần đây của Đảng: Trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định số 89-QĐ/TW (ngày 4/8/2017) của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 214-QĐ/TW (ngày 2/1/2020) của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… Các cấp ủy, tổ chức Đảng căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình để cụ thể hóa, trong đó cần xác định rõ các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác, kinh nghiệm thực tiễn, uy tín, thành tích công tác... cho sát hợp, khả thi và bảo đảm được yêu cầu lựa chọn những người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cấp ủy nhiệm kỳ tới.
Để làm được điều đó, trước hết, bộ phận tham mưu tổ chức cần nắm chắc cán bộ, rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin. Tất cả những đảng viên trước khi giới thiệu bầu vào cấp ủy phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận. Việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải thực hiện thông qua quy trình nhân sự 5 bước bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng. Phương án nhân sự cấp ủy cũng đồng thời phải gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị nhân sự cho các cơ quan Nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đối với những đồng chí cấp ủy viên đương nhiệm thì không chỉ xem xét điều kiện tái cử về tuổi mà đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện quy trình nhân sự, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá chính xác để khẳng định nếu đủ tín nhiệm, năng lực, phẩm chất mới tiếp tục giới thiệu tái cử nhiệm kỳ tới. Đối với các đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, trên cơ sở nguồn quy hoạch cán bộ để thực hiện quy trình và phát huy tối đa dân chủ, với cơ chế mở rộng nguồn giới thiệu, lựa chọn có số dư để tăng tính cạnh tranh nhằm phát hiện, lựa chọn những đồng chí xứng đáng nhất nhằm giới thiệu cho đại hội xem xét, bầu chọn. Mỗi tổ chức Đảng cần kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người không đủ phẩm chất và bản lĩnh chính trị, thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, vi phạm những điều đảng viên không được làm, không gần dân, quan liêu, cửa quyền, tự mình hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ…
Đấu tranh loại trừ và phòng ngừa
Để làm tốt công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ vào cấp ủy, trước hết cần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những hoạt động chống phá công tác nhân sự của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, nhất là việc chống phá từ trong nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện những quy định của Đảng về công tác tổ chức, công tác nhân sự. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Một yếu rố quan trọng khác để nâng cao chất lượng cán bộ được tuyển chọn vào cấp ủy là phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ...
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, nhất là trong việc chuẩn bị nhân sự cấp uỷ các cấp và đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. Có như vậy chúng ta mới lựa chọn được những cán bộ thực sự tiêu biểu, có đức, có tài tham gia cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ tới.
TS. Ngô Vương Anh