Đông Nam Á tăng cường hành động chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Reuters/Tuổi trẻ

Cụ thể, Indonesia vừa công bố gói kích thích khẩn cấp trị giá 1,6 tỷ USD để bảo vệ đất nước khỏi tác động kinh tế gây nên bởi đại dịch COVID-19. Tại quốc gia láng giềng Malaysia, chính phủ mới cũng cấm tụ tập đông người đến tháng 5 và thừa nhận ngành du lịch đã chịu mức tổn thất lên đến khoảng 800 triệu USD chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cũng khẳng định nước này sẽ nhanh chóng triển khai gói kích thích trị giá 4,7 tỷ USD. Những sự kiện tôn giáo và thể thao, cũng như các cuộc tập trung đông người sẽ bị hủy bỏ hoặc hoãn đến sau tháng 4 khi giới chức tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Về phía Thái Lan, với 34 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus ở nước này lên thành 114 trường hợp vào cuối tuần qua, ngành du lịch nước này đã tạm thời đình chỉ cấp thị thực cho du khách từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù tình hình khá nghiêm trọng song Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha vẫn kêu gọi người dân đừng hoảng sợ và bày tỏ niềm tin rằng chính phủ “sẽ sớm vượt qua khủng hoảng này”.

Trong khi đó, điều lệnh cấm du lịch, đi lại từ Đông Nam Á đến Trung Đông có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới 12 triệu lao động Philippines đang làm việc tại nước ngoài. Đây là lực lượng lao động đã đóng góp hơn 35 tỷ USD cho đất nước vào năm 2019, chiếm 10% GDP Philippines, dữ liệu đưa ra bởi Ngân hàng Thế giới (WB)...

Đối với Việt Nam, Bộ Y tế vừa ra quyết định tạm thời chưa cho nhập cảnh những hành khách là người dân, hoặc đã đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh và khối Schengen trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Eurasia Review, Bangkok Post & CNA)