Thu hoạch lúa tại vựa lúa Quảng Điền

Đảm bảo an ninh lương thực gắn với an sinh xã hội

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết Chính phủ hiện tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 đang lây lan toàn cầu, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng. “Chúng ta phải quyết ngăn chặn cho được đại dịch này. Đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, vì dịch ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân”. Nhấn mạnh phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống Nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất và các lĩnh vực xã hội khác.

Thủ tướng cho rằng 10 năm nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn và toàn diện. Từ nước thiếu ăn trong quá khứ, hiện Việt Nam đã có được bình quân lương thực trên 525kg/đầu người, là một trong ba quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên toàn cầu, cũng như đã được công nhận có chất lượng gạo ngon nhất trên thế giới.

"Dù không thể phủ nhận các thành tích vượt trội, nhưng cần bàn về những yếu kém của nông nghiệp nước ta và an ninh lương thực nói riêng trong hội nghị này. Vì chúng ta xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nhưng an ninh lương thực chỉ xếp 57/113 quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tới đây, cần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp lương thực một cách hợp lý, giải quyết bài toàn hạ tầng nông nghiệp, công nghiệp chế biến... thậm chí phải nghĩ đến việc các loại gạo dinh dưỡng cho toàn dân và xuất khẩu, "không chỉ nằm ở số lượng không, mà còn phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu".

Không chỉ yêu cầu các nhà khoa học, bộ ngành lẫn lãnh đạo các địa phương có diện tích nông nghiệp lớn gấp rút tìm kiếm các giải pháp mới, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới cần đảm bảo an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Thủ tướng cũng lưu ý việc đảm bảo an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là đảm bảo kinh tế, mà còn là đảm bảo an sinh xã hội, gồm đảm bảo nguồn cung, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiếp cận của người dân về vấn đề lương thực.

Thừa Thiên Huế an ninh lương thực luôn đảm bảo

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 10 năm thực hiện, đề án đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2009-2019 sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525 kg/năm. 

Xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,14 triệu tấn, thu về hơn 3 tỉ USD, đến được 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn. GDP toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 2,61%/năm.

Tại Thừa Thiên Huế, sau 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, sản xuất nông-lâm- ngư nghiệp trên địa bàn có những bước phát triển khá toàn diện, nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến khá rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; an ninh lương thực luôn đảm bảo; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc…

Những chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020, cụ thể tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008-2018 đạt trên 3,5%; sản lượng lương thực có hạt đạt 34,1 vạn tấn; sản lượng thóc đạt 33,4 vạn tấn. Diện tích trồng rừng hàng năm 5.670ha, độ che phủ rừng đạt 57,3%...

Trong đó, tổng diện tích cây lương thực có hạt toàn tỉnh năm 2019 đạt 56.448ha, tăng 4.043ha (tương đương 7,8%) so với năm 2008; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt 333 ngàn tấn, tăng 53 ngàn tấn (20%) so với năm 2008; năng suất bình quân đạt 61,1 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với năm 2019. Sản lượng rau, đậu các loại năm 2019 đạt 48.492 tấn, tăng 2.195 tấn so với năm 2008.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, nông nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp; cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn có chuyển dịch nhưng còn chậm; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp; bảo quảnh chế biến sau thu hoạch chưa phát triển. Phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu; tổn thất sau thu hoạch cả chất lượng và số lượng còn thấp…

Tin, ảnh: Thái Sơn