Nguy cơ với mọi lứa tuổi

Theo Phó Giám đốc BV Mắt Huế, ông Nguyễn Thế Hùng, bệnh Glôcôm dân gian hay gọi bệnh cườm nước hay thiên đầu thống. Đây là một bệnh lý thần kinh thị giác liên quan đến tình trạng nhãn áp, sẽ dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ước tính vào năm 2020 cả thế giới có khoảng 80 triệu người mắc bệnh Glôcôm, chiếm tỷ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi; trong đó có 11,2 triệu người bị mù do bệnh. Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt (47% bệnh nhân Glôcôm thuộc về châu Á).

Đo đáy mắt nhằm phát hiện bệnh Glôcôm tại BV Mắt Huế.

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người lớn tuổi, nữ nhiều hơn nam, người càng có nhiều yếu tố nguy cơ như trên 40 tuổi, có bệnh tiểu đường hay cao huyết áp, người có tiền căn gia đình đã mắc bệnh Glôcôm, người bị viễn thị, giác mạc tròng đen nhỏ, người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt… thì càng dễ mắc bệnh Glôcôm.

Với bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ nêu trên, trong quá trình khám tại BV Mắt Huế bệnh nhân sẽ được tư vấn tái khám để đo nhãn áp và kiểm tra thị lực định kỳ; đồng thời tư vấn điều trị để có hướng điều trị lâu dài. Những bệnh nhân đã phẫu thuật tại BV cũng được khuyến cáo tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

“Do phần lớn trường hợp bị Glôcôm không có triệu chứng báo động, nên bệnh nhân thường chủ quan, đến khi nhìn mờ dần mới đi khám thì đã muộn, thị lực giảm nhiều. Đáng nói là, mất thị lực trong bệnh Glôcôm là mất vĩnh viễn không phục hồi, do đó nó được ví là “kẻ cắp ánh sáng thầm lặng” - bác sĩ Hùng nói.

Không chủ quan

Bác sĩ CK II Phạm Minh Trường, Giám đốc BV Mắt Huế khuyến cáo, những trường hợp mắc Glôcôm thường có triệu chứng điển hình như mắt đau nhức, nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh, đỏ kèm theo đau lan lên đầu cùng bên, buồn nôn, nôn mửa do áp lực trong mắt tăng lên rất cao. Trong Glôcôm cấp, đây là một cấp cứu nhãn khoa nếu không xử trí kịp thời thì hậu quả thị lực giảm hoặc mất hoàn toàn.

Các y, bác sĩ BV Mắt Huế trao đổi chuyên môn với chuyên gia nước ngoài về khám, tư vấn, điều trị bệnh lý Glôcôm

Hiện nay, cùng với việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, BV Mắt Huế đã triển khai nhiều phương pháp chẩn đoán, phát hiện sớm, chính xác bệnh Glôcôm và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Tuy nhiên phải dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Có 3 phương pháp điều trị: bằng thuốc, bằng laser và phẫu thuật. Tùy tình trạng và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định dùng phương pháp nào hay phối hợp các phương pháp với nhau. Điều đáng lưu ý, Glôcôm là bệnh mãn tính cần phải điều trị lâu dài nên bệnh nhân cần tin tưởng vào quá trình điều trị của bác sĩ.  

Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo để điều trị Glôcôm hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải được chẩn đoán sớm, điều trị lâu dài đúng chuyên khoa. Điều này sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát được áp lực nội nhãn và ngăn ngừa sự tổn hại tầm nhìn.

“Việc phát hiện, khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, thường xuyên đo thị lực, nhãn áp, khám đầu thị thần kinh… là những việc cần thiết để phát hiện sớm bệnh Glôcôm, nhất là những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ như trên 40 tuổi, những người có tiền sử gia đình bị bệnh Glôcôm, hay những người bị tiểu đường cao huyết áp, cận thị, viễn thị nặng, những người đã trải qua phẫu thuật tại mắt". Bác sĩ Phạm Minh Trường nói.

Dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng hưởng ứng tuần lễ Glôcôm thế giới năm nay (8 - 14/3) với chủ đề “Thị lực tốt nhất cho tất cả mọi người”, BV Mắt Huế đã triển khai khám và đo nhãn áp cho toàn bộ các bệnh nhân 40 tuổi trở lên và làm thêm các xét nghiệm cần thiết, như chụp OCT, đo thị trường mắt... gần 500 trường hợp; trong đó có 74 trường hợp nhập viện điều trị các bệnh lý về mắt và 6 trường hợp mắc bệnh Glôcôm được tư vấn điều trị sớm. 


Bài ảnh: Minh Văn