Những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở vùng Lombardy, Italy. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Trong đó có 8,936 trường hợp tử vong, số trường hợp nhiễm bệnh đã được phục hồi là 84,383 trường hợp. Dịch bệnh hiện đang ảnh hưởng tới 173 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong bối cảnh các Chính phủ trên khắp khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á đang khẩn trương đưa ra những biện pháp cứng rắn để kiểm soát sự lây lan của đại dịch nghiêm trọng này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi căn bệnh này là "kẻ thù đối với loài người", đồng thời thúc giục một phản ứng chung nhằm chống lại sự bùng phát toàn cầu.

"Chủng virus Corona này đang mang đến cho chúng ta một mối đe dọa chưa từng có", Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Từ Australia đến Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, các Chính phủ trên khắp thế giới đang áp dụng những biện pháp ngăn chặn cứng rắn, bắt buộc những thay đổi xã hội chưa từng có và khiến các thị trường tài chính rơi vào tình trạng khó khăn.

Vào ngày 18/3, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đóng cửa biên giới, cấm du khách từ bên ngoài khối trong 30 ngày, nhằm cố gắng làm chậm lại sự lây lan nhanh chóng của virus.

Theo thống kê của Hãng thông tấn AFP, khu vực châu Âu hiện đã ghi nhận 4.023 trường hợp tử vong, bao gồm 2.978 trường hợp ở Italy, quốc gia ghi nhận số người tử vong cao nhất chỉ trong một ngày vào ngày 18/3.

Trong khi đó, có hơn 84.000 trường hợp nhiễm COVID-19 trên khắp khu vực châu Âu, với số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong cao nhất được ghi nhận ở Italy, Tây Ban Nha, và Pháp.

Trong một động thái liên quan, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo rằng, đại dịch COVID-19 có thể khiến thêm 25 triệu người mất việc và làm giảm đáng kể thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) cho hay, khoảng 850 triệu thanh thiếu niên trên toàn cầu phải ở nhà, tương đương với khoảng 1/2 số lượng học sinh, sinh viên trên thế giới.

"Quy mô và tốc độ đóng cửa của các trường học và trường đại học cho thấy một thách thức chưa từng có đối với ngành giáo dục", UNESCO lưu ý thêm.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & Worldometers)