Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ 23 đến sáng 25/3/2020.

Theo chương trình, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ trình bày báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên số lượng và thành phần dự tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội được hạn chế.

Phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cụ thể: Chỉ gồm Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Cơ quan trình (tối đa 5 người);

Thường trực Ủy ban chủ trì thẩm tra và 1 đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật (các thành viên khác của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban và Lãnh đạo các Ban theo dõi phiên họp tại phòng làm việc của mình qua hệ thống truyền hình nội bộ cơ quan - MyTV)

Đại diện lãnh đạo một số cơ quan liên quan (01 người/1 cơ quan); Văn phòng Quốc hội: 01 Lãnh đạo Văn phòng; trợ lý, thư ký Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; đơn vị chủ trì phục vụ nội dung, Vụ Pháp luật, Vụ Tổng hợp (1 người/1 đơn vị).

Văn phòng Quốc hội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tiến hành Phiên họp.

Theo dự kiến Chương trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số dự án Luật còn có ý kiến khác nhau: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội c Cho ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính.

Cho ý kiến về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao, dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Theo VOV