Bơm nước chống hạn tại thôn Ka Tư (xã Hương Phú)

Thiếu nước

Khoảng 10 ngày nay, việc bơm nước chống hạn được triển khai thường xuyên tại diện tích gieo trồng lúa thuộc thôn Ka Tư và thôn Thanh An, xã Hương Phú. Với 12ha diện tích gieo trồng thiếu nước, đây là một trong những địa phương chịu ảnh hướng lớn trong đợt hạn đầu năm nay.

Sở hữu 1.500m2 diện tích trồng lúa tại cánh đồng thuộc khu vực thôn Ka Tư, ông Trương Minh Hào cho biết, nếu như mọi năm, vụ đông xuân bà con không cần sử dụng máy bơm để dẫn nước tưới vào ruộng thì năm nay khi chỉ mới gieo sạ khoảng 20 ngày đã xảy ra tình trạng thiếu nước.

“Hiện nay, việc bơm nước chống hạn vẫn đáp ứng đủ khoảng 80 - 90% nhu cầu tưới tiêu của người dân. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn nắng nóng kéo dài, ít mưa e rằng sẽ không đủ nguồn nước cung cấp”, ông Hào lo ngại.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phú thông tin, ngay sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn xã đã gặp khó khăn về tưới tiêu khi lượng nước các hồ không đủ để tưới trực tiếp. UBND xã đã báo cáo với huyện và phối hợp cùng đơn vị chuyên môn tiến hành bơm bổ sung nước từ hồ vào các kênh mương nhằm đảm bảo việc tưới tiêu cho người dân từ ngày 1/3. Tuy nhiên, có khoảng 2ha diện tích nằm tại vùng cao khiến việc bơm nước gặp khó khăn. UBND xã đang tiếp tục theo dõi, nếu dừng việc bơm nước sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các hộ dân tại đây để đi đến thống nhất chung.

Theo ông Thành, với diện tích canh tác ở vùng thiếu nước, UBND xã có chủ trương vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển trồng khoai và các loại đậu để đảm bảo hiệu quả.

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Đông, không chỉ riêng Hương Phú, trên toàn địa bàn huyện hiện có khoảng 52ha diện tích gieo trồng thiếu nước, tập trung ở các xã: Thượng Lộ, Hương Xuân, Thượng Nhật, Hương Hữu, Thượng Long, Thượng Quảng và Hương Sơn.

Triển khai nhiều biện pháp

Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, dự báo năm 2020 thời tiết nắng nóng kéo dài nguy cơ dẫn đến khô hạn rất cao. Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các phương án chống hạn, phối hợp các phòng chuyên môn giải quyết kịp thời.

Với các hộ dân, UBND các xã chủ động hướng dẫn người dân củng cố bờ ruộng, giữ nước trong ruộng và thực hiện lấy nước hợp lý, tiết kiệm, lấy nước luân phiên, nhất là đối với các hộ đầu các tuyến kênh phải nhường nước để các hộ phía cuối kênh đảm bảo có nước tưới.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện, xử lý kịp thời sâu bệnh.

Trạm Thủy nông Nam Đông phối hợp cùng người dân tổ chức nạo vét, khơi thông các đầu mối, kênh mương và điều tiết nước ở các tuyến kênh để đảm bảo thuận lợi cho người dân lấy nước. Đồng thời, triển khai nhiều phương án chống hạn khác nhau tùy vào tình hình thực tế từng địa phương như: bơm chống hạn ở các vùng có đủ nguồn nước (xã Thượng Nhật, xã Hương Hữu, xã Thượng Quảng); tổ chức sửa chữa đập nguồn của kênh Ba Ba (xã Hương Sơn) đảm bảo đủ lượng nước chảy vào kênh; điều tiết nước hợp lý ở các vùng của xã Thượng Nhật và xã Thượng Quảng…

“Đến nay, các diện tích gieo trồng gặp hạn tại địa phương cơ bản được khắc phục nhờ thực hiện tốt công tác thủy lợi. Với các diện tích không có hệ thống thủy lợi như ở Hương Xuân (19ha), những năm qua, việc đảm bảo nước tưới đều phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Hiện nay, các cấp chính quyền cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp hơn, thích nghi với các vùng thường xuyên thiếu nước”, ông Lê Thanh Hồ thông tin.

Bài, ảnh: Minh Nguyên