Ê kíp sản xuất bản tin “Cập nhật COVID-19” làm việc từ khá sớm để 7h30 sáng mỗi ngày có bản tin hấp dẫn chuyển tải đến người xem. Ảnh: Hạnh Nhi

Không nằm ngoài guồng quay của nghề, những người làm báo ở Huế đang tất bật theo chuyển động của dịch bệnh. Những chương trình cố định phải nhường sóng, những bản tin mới ra đời…

Nhường sóng, ra đời bản tin mới

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn bộ học sinh buộc phải nghỉ học kéo dài. Để kế hoạch dạy và học đảm bảo tiến độ nhưng hạn chế được dịch bệnh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh (TRT) phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo lên phương án dạy học qua truyền hình. Điều này đồng nghĩa với việc, một số chương trình đã xếp sẵn trước đó phải nhường sóng để phục vụ cho nhiệm vụ quan trọng này.

Các phóng viên, biên tập viên của Đài TRT cũng phải làm việc vất vả hơn. Ngoài việc tác nghiệp ở hiện trường, phản ánh thông tin liên quan đến COVID-19, họ còn phải liên tục ghi hình việc giảng dạy của các thầy, cô giáo ngay tại trường quay để đảm bảo phát sóng đúng khung giờ, từng môn học như đã thông báo với toàn thể học sinh khối 12 trên toàn tỉnh, và sắp tới thêm khối lớp 9.

BTV Gia Mẫn, phụ trách chương trình dạy học qua truyền hình Đài TRT nói rằng, dịch COVID-19 đã làm xáo trộn, biến động không chỉ đời sống của người dân mà buộc báo chí phải thay đổi các chương trình, cách tác nghiệp đáp ứng nhu cầu của người xem truyền hình. Đặc biệt, với thể loại báo chí truyền hình, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phối hợp ngành giáo dục sản xuất chương trình dạy học trực tiếp để phục vụ học sinh khối 12 và khối 9.

Kỹ thuật viên Minh Quân của bản tin “Cập nhật COVID-19” đang xử lý các thước phim được truyền ra từ phòng quay. Ảnh: Hạnh Nhi

Vì thế, các chương trình mang tính chất giải trí cũng phải cắt bớt, hoặc đẩy lùi sau để nhường sóng, ưu tiên cho việc dạy học qua truyền hình. Cũng theo anh Mẫn, chương trình dạy học trực tiếp chiếm thời lượng lớn, quay tại trường quay, nên cường lực làm việc cũng nặng hơn so với những ngày thường. “Nói chung, dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi thứ, báo chí cũng không ngoài cuộc. Thường chương trình phát sóng trong một năm đã được lên kế hoạch trước. Nhưng bây giờ bộ phận chuyên sắp xếp các chương trình phải thay đổi lại toàn bộ”, BTV Gia Mẫn chia sẻ.

Trong dòng chảy chung, nhưng người làm báo Báo Thừa Thiên Huế cũng không ngoại lệ. Ngay trong thời gian cao điểm của cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, Ban Biên tập của báo đã yêu cầu bằng mọi giá phải cho ra đời một bản tin truyền hình hàng ngày với tên gọi “Cập nhật COVID-19” trên kênh truyền hình Huế TV của giao diện Baothuathienhue.vn

“Đó là những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong nước và trên thế giới”,  BTV Phú Giang, Trưởng phòng Báo điện tử Báo Thừa Thiên Huế - phụ trách bản tin chia sẻ và cho biết, để có được bản tin từ 7-10 phút được phát lúc 7h30 hàng ngày như thế, đội ngũ thực hiện phải làm việc rất cật lực, bất kể thời gian. Bằng mọi giá đó là những thông tin, thước phim cập nhật một cách chính xác, khách quan nhất để người xem có thể hiểu rõ và thông qua đó, có các biện pháp phòng chống COVID-19.

Vừa tác nghiệp, vừa tự bảo vệ bản thân

Đức Quang, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế cho biết, dù vất vả và còn bỡ ngỡ nhưng đây là cơ hội để thử thách với bản thân với niềm đam mê công việc. “Bản tin thường khởi quay lúc 5h sáng và tất nhiên người dẫn phải có mặt từ trước đó. Những ngày không dẫn, phải tính toán lên kịch bản để đi quay các phóng sự, đọc lời bình…”, phóng viên Đức Quang chia sẻ.

Còn với các phóng viên, quay phim thường trú trên địa bàn tỉnh, ngoài việc chạy đua các tin bài thời sự, giờ đây việc cập nhật thông tin liên quan đến COVID-19 cũng là áp lực không hề nhỏ. Đóng chân thường trú trên địa bàn tỉnh hơn 2 năm qua, Nguyễn Do – Phóng viên của Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh nói rằng, chưa khi nào công việc áp lực như thế. “Áp lực là phải có tin sớm, chính xác nhất. Nhưng việc đó cũng phải đồng nghĩa tự bảo vệ bản thân bằng mọi giá khi tác nghiệp ở những khu cách ly nghi nhiễm, hoặc khu vực khoanh vùng có điều trị bệnh nhân dương tính COVID-19”, Do nói.

Quay phim Nguyễn Huân (áo xanh) của VTV8 trong một lần tác nghiệp về phòng, chống COVID-19. Ảnh: Phan Thành

Tương tự, những ngày qua, quay phim Nguyễn Huân của VTV8 rơi vào tình thế mất ăn, mất ngủ, bao giờ cũng túc trực máy quay để chạy đua với những thông tin thời sự. Những thông tin ấy phải được cập nhật nhanh nhất để phát sóng trên các bản tin toàn quốc của VTV, giúp mọi người hiểu được tình hình phòng, chống, điều trị COVID-19 trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Hiểu được sự quan trọng, và nguy hiểm của dịch bệnh này, anh Huân bao giờ cũng tự bảo vệ mình dù ở bất kể môi trường tác nghiệp nào. Trong ba lô, lúc nào cũng có nhiều khẩu trang, chai rửa tay sát khuẩn… để sử dụng. “Còn khi vào những khu điều trị nhiễm, nghi nhiễm, hoặc cách ly, mình tuân thủ các yêu cầu của cơ quan y tế. Làm sao vừa có sản phẩm, vừa đảm bảo được an toàn cho bản thân đó là điều mà mình luôn nghĩ trong đầu mỗi khi tác nghiệp COVID-19”, anh Huân tâm sự.

Cuộc chiến với “giặc” COVID-19 của cả thế giới vẫn còn dai dẳng chưa biết hồi kết. Và những người làm báo vẫn không nằm ngoài vòng xoáy ấy, vẫn luôn ở vùng tâm điểm giữa cuộc chiến để có những thông tin mới nhất, chính xác, khách quan nhất để cập nhật đến mọi người.

NHẬT MINH