Một số bác sĩ làm việc tại tuyến đầu các bệnh viện ở Vũ Hán (Trung Quốc) mới đây lại một lần nữa đề cập đến các trường hợp "tái dương tính" ở các bệnh nhân Covid-19, thậm chí với biểu hiện chuyển nặng hơn và gọi đây là các ca "khỏi bệnh giả". 

 Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc. Ảnh: New York Times

Một bác sĩ tuyến đầu ở Vũ Hán trong phản ánh với tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc mới đây cho biết, trong các ca khỏi bệnh ở đây, từng có 1 gia đình cả 3 người đã "tái dương tính" với virus SARS-CoV-2 và phải quay lại viện điều trị, trong đó một ca bệnh 70 tuổi có dấu hiệu chuyển nặng.

Theo phân tích của các bác sĩ và chuyên gia Trung Quốc, rất có thể các trường hợp này mặc dù đã đủ điều kiện ra viện, nhưng đường hô hấp dưới vẫn còn virus, nên gây ra hiện tượng "khỏi bệnh giả" và bệnh nhân phải quay lại điều trị.

Những bệnh nhân "tái dương tính" chuyển nặng, thường là những người có các bệnh lý nền đi kèm gây bội nhiễm. Mặc dù đây không phải là những trường hợp phổ biến, song các bác sĩ Trung Quốc khuyến cáo, bệnh nhân nên được xét nghiệm lại sau khi khỏi bệnh 1 tháng.

Trước đó, theo một nghiên cứu của Đại học Trung Sơn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, sau khi bệnh nhân khỏi bệnh xét nghiệm phết họng đã âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng phân vẫn có thể cho kết quả dương tính sau đó tới gần 5 tuần. Dù lây qua chất bài tiết không phải là hình thức lây nhiễm chính của SARS-CoV-2, nhưng các nhà khoa học vẫn không lại trừ nguy cơ này, đặc biệt là trong các môi trường công cộng khép kín, như khách sạn, ký túc xá, tàu biển, tàu hỏa.

Theo VOV