Trong 10 năm iPad xuất hiện trên thị trường, Apple luôn cố gắng thuyết phục người dùng rằng tầm nhìn về một thiết bị thân thiện có màn hình cảm ứng lớn. Công ty Mỹ đã từ chối ý tưởng về một máy tính bảng có bàn phím, trackpad hay thậm chí là bút stylus.
iPad Pro (bên trái) và Surface Pro (bên phải) ngày càng tương đồng về thiết kế và tính năng. Ảnh: The Verge
Apple từng chế nhạo Microsoft về những chi tiết đó khi hãng phần mềm ra mắt Surface. "Cạnh tranh với chúng tôi phải là sự khác biệt, nhưng họ đang bối rối", CEO Apple Tim Cook phát biểu khi đứng trên sân khấu sự kiện ra mắt máy Mac và iPad mới sáu năm về trước. "Họ đã theo đuổi netbook, rồi giờ đây cố gắng biến PC thành máy tính bảng và máy tính bảng thành PC. Ai biết họ sẽ làm gì tiếp theo?".
Nhưng có vẻ như Cook đã 'nuốt lời". Mọi iPad dường như đã biến thành Surface và tính đến tuần này, khi iPad Pro 2020 ra mắt, giữa thiết bị của Apple với Surface Pro thậm chí còn giống nhau hơn. Cả hai đều có bàn phím tháo rời, chân đế có thể điều chỉnh, trackpad và bút stylus. Với việc iPadOS nhiều khả năng nhận cập nhật hỗ trợ con trỏ chuột thời gian tới, Apple dường như thừa nhận rằng Microsoft đã đúng về máy tính bảng.
Microsoft có nhiều năm loay hoay với máy tính bảng. Trở lại 2002, Bill Gates đã cố gắng thuyết phục với thế giới rằng, đây sẽ là thiết bị hỗ trợ người dùng thuận tiện, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi cho công việc, giải trí và nhiều mục đích khác. Đáng tiếc khi thời điểm đó, việc bị giới hạn cả về phần cứng lẫn phần mềm khiến một thiết bị như vậy chưa thể ra đời.
Nhưng Microsoft không bỏ cuộc. Hãng phần mềm đã thể hiện điều đó bằng Surface RT cùng với Windows 8 vào năm 2012. Dù chạy hệ điều hành thuần cho máy tính, không hỗ trợ nhiều ứng dụng khi dùng dưới dạng máy tính bảng, nhưng ý tưởng của Microsoft dường như đã hình thành thời điểm đó.
"Với tablet, người dùng vẫn mong muốn một bàn phím vật lý", Steven Sinofsky, người đứng đầu mảng Windows của Microsoft, viết trên blog vào năm 2012. "Ngay cả khi không có sự hỗ trợ của Microsoft Office, nếu cần viết một đoạn văn bản nhanh, chính xác và đáng tin cậy, người dùng cần một thứ gì đó hỗ trợ tốt hơn thay vì vuốt trên màn hình cảm ứng. Đó là bàn phím rời".
Thông điệp của Sinofsky khi đó khá rõ ràng: Điện toán dựa trên cảm ứng sẽ là đầu vào trước tiên trên Windows 8, nhưng không phải là cách duy nhất để sử dụng hệ điều hành. Thay vào đó, người dùng cần một con chuột cho khả năng trỏ chính xác, bàn phím để nhập dữ liệu và bút stylus để ghi chú hoặc vẽ nhanh. Đây cũng chính là nền tảng cho Surface Pro sau này.
Thực tế, Apple cũng nhanh chóng nhận ra iPad của mình đang thiếu gì. Gạt bỏ những phát biểu trước đó, Cook bắt đầu có phản ứng sau khi Microsoft ra mắt Surface Pro 3, bằng cách tung model iPad Pro 2015 với bàn phím thông minh kèm bút Pencil. Bàn phím được gắn từ tính với iPad Pro giống như Surface Pro, nhưng Apple vẫn tuyên bố bàn phím này "không giống với bất kỳ bàn phím nào bạn từng sử dụng trước đây".
2015 trở thành năm đánh dấu sự thay đổi lớn trên iPad, là cột mốc phân biệt thế hệ trước không dùng phụ kiện, phục vụ cho mục đích giải trí, và thế hệ sau với nhiều phụ kiện hỗ trợ cho công việc.
Apple ngày càng có tham vọng biến tablet của mình thành một chiếc laptop thực sự. Dù không tiên phong, hãng rất biết cách "định nghĩa lại" theo hướng tốt hơn và tiện dụng hơn cho người dùng như từng làm trên iPhone, AirPods cũng như các sản phẩm khác. Chẳng hạn, con trỏ trên iPadOS chỉ xuất hiện khi cần và trong quá trình "nghỉ", nó chỉ là chấm tròn nhỏ để đỡ gây cảm giác vướng víu và mất tập trung. Bên cạnh đó, chấm tròn này cũng giúp sử dụng các tác vụ chính xác như bảng tính hay cảm ứng đa điểm trên bàn di chuột hiệu quả hơn.
Apple vẫn giữ các nguyên tắc thân thiện và chỉn chu đối với tính năng cảm ứng trên sản phẩm của mình, trong đó có iPad. Cách tiếp cận cẩn thận và được cân nhắc này đã giải thích lý do tại sao công ty Mỹ mất quá nhiều thời gian để mang con trỏ lên iPadOS. "Bất cứ điều gì khi kết hợp với nhau cũng cần sự đánh đổi, nhưng quan trọng những thứ đó được đón nhận như thế nào. Bạn không thể làm hài lòng tất cả", Cook nói trong một cuộc họp cổ đông cách đây 8 năm.
Trước đây, Cook cũng kiên quyết rằng Apple sẽ không hội tụ MacBook Air và iPad. Công ty đã giữ lời hứa khi không gộp macOS với iPadOS làm một. Tuy vậy, với iPad Pro và MacBook Air 2020 vừa ra mắt, ranh giới giữa cả hai đang trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết, dù cả hai chạy hệ điều hành riêng.
Theo The Verge, Apple nên hợp nhất nền tảng giống như Windows trên Surface Pro để đơn giản hóa, nhưng có thêm các "nhánh" phát triển riêng cho từng loại thiết bị, chẳng hạn hỗ trợ cảm ứng trên máy tính bảng, hoặc tùy biến dạng Windows 10X cho các sản phẩm màn hình kép sẽ ra mắt trong năm nay như Microsoft đang làm.
Theo vnexpress.net