Phạm Tý (19 tuổi, trú tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) không có bằng lái xe hợp lệ, nhưng lại điều khiển xe máy chở anh trai và một người bạn gái cùng thôn. Trong lúc vượt xe ô tô chạy cùng chiều, Tý lấn sang phần đường xe ngược chiều và tông vào bên trái đầu xe ôtô chạy hướng ngược lại, gây tai nạn. Bạn gái tử vong. Tý bị gãy nát hai chân, bị TAND huyện Phú Lộc xét xử về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, phạt 3 năm tù cho hưởng án treo. Cha mẹ nạn nhân đồng ý với bản án, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc kháng nghị, đề nghị phạt bị cáo 3 năm tù giam. Ngày 28-8-2014, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm.

Minh họa: Hương Trà

Tàn phế, nợ nần

Nhìn bị cáo nằm trên cáng đặt trước vành móng ngựa, thẩm phán lắc đầu ái ngại. Mẹ bị cáo ngồi cạnh chiếc cáng, nắn đôi chân gãy nát đã qua mười một lần phẫu thuật của con, giọng thiểu não: “Con tui bất cẩn gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết một mạng người, phải chịu tội trước pháp luật cũng đáng. Nhưng chừ hắn đã thân tàn ma dại, phải nằm một chỗ như ri, nếu phải ngồi tù thì không biết tính răng. Tòa sơ thẩm cho hưởng án treo, hắn và vợ chồng tui mừng lắm. Từ ngày có kháng nghị, mỗi ngày trôi qua là một ngày gia đình tui thấp thỏm lo sợ. Mỗi lần thuê xe (ô tô) lên (TP Huế) về (huyện Phú Lộc) tốn kém lắm”.

Mẹ bị cáo kể vụ tai nạn khiến cả hai đứa con trai đều nhập viện cấp cứu. May anh của Tý bị nhẹ. Còn Tý dập nát hai chân, nằm viện bốn tháng liền. Bốn tháng đó cha mẹ Tý túc trực ở bệnh viện. Mấy đứa em của Tý chia nhau về nhà nội, ngoại ở. Căn nhà xập xệ đóng cửa im ỉm. Khuôn viên phía trước, gia đình Tý đang xây nhà, mấy bức tường bờ lô đành bỏ dở dang.

Làm nghề đánh bắt hải sản, nuôi năm đứa con, gia đình bị cáo thuộc diện khó khăn. Để chữa trị cho con, cha mẹ Tý đã vay mượn khắp nơi số tiền lên đến 260 triệu đồng. Không còn cách nào khác, họ treo biển bán nhà. “Vài người tới hỏi mua, nhưng khi biết gia đình tui đang cùng quẫn phải bán, người ta lại không mua nữa. Người ta nói nếu họ mua nhà, vợ chồng tui đem con từ viện về, rồi cả gia đình ra đường mà ở à?

Đã qua mười một lần phẫu thuật, nhưng bây giờ vẫn phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp.” - Cha mẹ bị cáo ngậm ngùi. Bị cáo cũng đờ đẫn. Mắt rơm rớm. 

Khuyết

Tòa hỏi: “Bị cáo có suy nghĩ như thế nào về hành vi không tuân thủ pháp luật giao thông, gây hậu quả một người thiệt mạng, bản thân bị cáo bị thương nặng?” Bị cáo được cha mẹ đỡ ngồi liêu xiêu, nghẹn giọng nói ân hận. Rồi cúi gục mặt. Sau hồi lâu nghị án, tòa tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm, phạt bị cáo 3 năm tù, cho hưởng án treo. Cả bị cáo lẫn cha mẹ rớm nước mắt. Nước mắt mừng vui. Nhưng đi qua nỗi sợ con phải ngồi tù trong tình trạng hai chân gãy nát, cha mẹ bị cáo lại thẫn thờ bởi gánh nặng phía trước. Bác sĩ nói bị cáo còn phải điều trị dài lâu, mới mong phục hồi phần nào. Mỗi tháng phải đến bệnh viện kiểm tra một lần, nhưng mỗi lần đi phải thuê xe ô tô, nhà không có tiền, nên thời gian qua, cứ hai tháng cha mẹ Tý mới đưa con đến bệnh viện.

Một tuần sau phiên tòa, chúng tôi tìm về nhà bị cáo ở xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Cả gia đình bị cáo vẫn trú ngụ trong căn nhà cũ lụp xụp. Đi đánh bắt hải sản từ chiều hôm trước đến nửa đêm là về nên ban ngày cha mẹ Tý có mặt ở nhà.

Cha Tý đang lụm cụm bưng chậu nước đến cạnh giường lau người cho con. Mẹ Tý ngồi tựa lưng góc nhà ngao ngán nhìn những bức tường bờ lô xây dở cách đây gần hai năm rêu phong, hoang phế. Vậy nhưng, cách chừng vài trăm mét, nhà của cô gái thiệt mạng còn lạnh lẽo hơn bởi không khí tang tóc, dù một năm rưỡi đã trôi qua.

Trên bàn thờ giữa nhà, cô con gái mười tám tuổi xinh đẹp tươi cười trong di ảnh. Mẹ bị hại thấm nước mắt kể, con gái bà làm công nhân may ở thành phố Hồ Chí Minh, về thăm nhà dịp Tết Nguyên đán. “Ngày mai con tui vào lại thành phố tiếp tục công việc, thì khuya hôm đó nó thiệt mạng oan ức. Hôm đó, tui đang làm thuê ở Đà Nẵng, hay tin dữ ngất xỉu luôn tại chỗ. Người ta phải đưa về Huế. Về đến nơi, thấy con chỉ còn là thi thể, lại ngất. Nhà “bên đó” đứa con cũng bị thương nên dù giận nhưng khi ra phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng tui cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đằng nào con tui cũng không còn nữa. Chỉ mong đừng ai phải chết oan uổng như con tui”. 

Nghĩa địa cách nhà chừng 3 km. Phải để xe phía ngoài mới len lỏi qua được những lối đi nhỏ ngoằn ngoèo. Nắng chang chang. Cái bóng khuyết của người mẹ mất con nhỏ nhoi trên cát, như một dấu hỏi đau đớn! Lẽ ra bây giờ cô gái ấy đã trở lại thành phố Hồ Chí Minh với công việc, với bao ước mơ, dự định. “Chỉ mong đừng ai phải chết oan uổng như con tui”- là tâm nguyện đớn đau của người mẹ mất con, của không biết bao nhiêu người thân đã từng mất người thân, của những cuộc đời bị khuyết, vì tai nạn giao thông.

Tâm nguyện đó chỉ có thể được thực hiện khi bước ra đường tham gia giao thông, phải cẩn thận và chấp hành nghiêm mọi quy định của pháp luật, để không còn những vành khăn tang trắng trên đầu những cha mẹ già, con thơ...

Quỳnh Anh