Nhà đầu tư lo lắng trước biến động của thị trường cổ phiếu do đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Reuters/Thanhnien

Sau khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị đình trệ vào tháng trước, số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng ngày càng nhiều, đi cùng với sự gia tăng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19.

Nhiều khu vực đã bị phong toả và ở một số nơi, lực lượng quân đội phải tuần tra trên đường để kiểm soát và yêu cầu người dân ở trong nhà, tạm dừng các hoạt động dịch vụ và sản xuất, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu…

Theo nhận định của Tổ chức Quỹ đầu tư BlackRock, “đại dịch COVID-19 tượng trưng cho một cú sốc lớn từ bên ngoài đối với triển vọng vĩ mô, giống như một thảm họa tự nhiên quy mô lớn”.

Các cuộc khảo sát về Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) từ Nhật Bản cho thấy, lĩnh vực dịch vụ đang thu hẹp với tốc độ nhanh kỷ lục trong tháng 3/2020 và hợp đồng mới của các nhà máy cũng sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ. Ngoài ra, khả năng hoãn Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 có thể sẽ tiếp tục giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Trong khi đó tại Australia, PMI dịch vụ đã giảm xuống 39,8 - mức thấp kỷ lục, khi các nhà hàng, quán cà phê và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm đi lại, các sự kiện và buổi hòa nhạc cũng bị hủy bỏ.

Các nhà lãnh đạo tài chính và tiền tệ từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi đầu tuần cũng đã thống nhất sẽ phát triển một “kế hoạch hành động” để đối phó với đại dịch có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng thông tin cụ thể hiện chưa được công bố.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Prakash Sakpal, mặc dù các ngân hàng trung ương đã có các động thái mạnh mẽ, nhưng giới đầu tư vẫn không tin rằng bất kỳ hành động nào trong số này có thể đủ để ngăn chặn các tác động xấu từ đại dịch hiện nay.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch và tổng hợp từ Reuters)