Hỗ trợ doanh nghiệp tạm dừng đóng BHXH khi đủ điều kiện (ảnh minh họa)
“Nghỉ phép” dài ngày
Trong mùa dịch COVID-19, không ít lao động trong tâm trạng nơm nớp lo vì có thể nhận được yêu cầu về nghỉ việc không lương hoặc đi làm cầm chừng bất cứ lúc nào từ đơn vị. Chị Lê Ngọc Quỳnh, nhân viên quảng bá của một công ty du lịch ở TP. Huế, cho biết: Mọi năm, thời điểm này công việc rất thuận lợi khi khá đông khách. Còn bây giờ doanh nghiệp thực sự khó khăn nên lao động cũng phải nghỉ dần. Vẫn biết chủ doanh nghiệp không sa thải lao động, chỉ động viên chúng tôi tạm thời kiếm một công việc thời vụ để làm, song, thực sự chúng tôi rất chật vật để ổn định cuộc sống".
Ở khu vực lao động tự do, sản xuất kinh doanh bị đình đốn khiến người lao động gặp khó. Anh Trần Văn Đức, kinh doanh mặt hàng ăn uống ở TP. Huế, kể: “Cả tháng nay quán phải đóng cửa vì không có khách. Vợ đi phụ giúp việc nhà, chồng ở nhà trông con khi các cháu nghỉ học. Hai vợ chồng đều tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 500.000 đồng/người/tháng, khó khăn đến độ 3 tháng nay vẫn chưa có tiền để tiếp tục đóng BHXH và bảo hiểm y tế”.
Người lao động được hướng dẫn làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp
Lao động làm việc ở nhiều doanh nghiệp đang bị cắt giảm, tạm ngừng làm việc, thu nhập tiền lương bị giảm sút, do vậy, công tác trích nộp quỹ BHXH đã bị ảnh hưởng. Theo số liệu từ BHXH tỉnh, số thu BHXH trong những tháng đầu năm 2020 được 476 tỷ đồng, chỉ đạt 14,74% kế hoạch (giảm 30% số thu so với cùng kỳ năm trước).
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Kể từ khi diễn ra dịch bệnh, nhiều công trình phải tạm ngừng thi công. Một số công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa giải ngân, kéo theo đó là tình trạng chậm lương người lao động, chậm nộp các khoản BHXH. Với nhiều doanh nghiệp, việc chậm nộp các khoản tiền chế độ về BHXH trong thời điểm này là bất khả kháng. Hệ lụy là các chế độ của người lao động không được giải quyết. Thiết thực nhất là họ không được chốt sổ để hưởng trợ cấp thất nghiệp và khi ốm đau không được bảo hiểm chi trả chi phí khám chữa bệnh khi không tham gia thẻ BHYT liên tục.
Các doanh nghiệp sốt ruột gửi văn bản yêu cầu BHXH tỉnh có hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc gặp khó khăn theo quy định của Luật BHXH. Theo ông Lê Văn Sinh, chủ doanh nghiệp chuyên về hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải, công ty ông có 100 lao động, mỗi tháng phải đóng các khoản chi phí về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động... lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây là một khoản không hề nhỏ. Trong thời điểm này, ông rất khó xoay xở để đóng BHXH cho người lao động và bày tỏ mong muốn được chậm đóng BHXH để sớm khôi phục sản xuất và giữ chân người lao động.
Ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh trao đổi: Chúng tôi đang rà soát các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác đang gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó cũng cắt giảm các thủ tục xét duyệt để làm sao các doanh nghiệp họ nhận được chính sách một cách nhanh nhất. Đối với những lao động nghỉ việc, BHXH tỉnh sẽ kịp thời chốt sổ BHXH theo quy định, để người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trước mắt, chỉ những doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm và doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch COVID-19 sẽ được tạm dừng đóng BHXH.
Ngành BHXH sẽ tiếp nhận và giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. Đến hết tháng 6/2020 mà dịch vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề xuất thì phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn phải đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, ông Dũng lưu ý.
Lúc này, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giãn nợ, chậm đóng BHXH rất cần thiết. Điều đó nếu được quan tâm sớm triển khai, sẽ giúp doanh nghiệp dần khôi phục, vượt qua khó khăn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bài, ảnh: Huế Thu