Có mặt khắp nơi
Dạo quanh các tuyến phố lớn, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống, các mặt hàng sản xuất trong nước bày bán đa dạng với nhiều chủng loại, mẫu mã và màu sắc trang nhã, thu hút nhiều khách hàng lựa chọn, trong đó có cả khách du lịch. Những tấm bảng hiệu mang dòng chữ “Made in Việt Nam”, “Hàng Việt Nam xuất khẩu”... phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang chiếm lĩnh thị trường. “So với hàng ngoại thì sản phẩm sản xuất trong nước chất lượng khá, màu sắc đẹp và mẫu mã phong phú nhưng giá cả vừa phải nên người tiêu dùng chọn nhiều, đặc biệt là hàng dành cho trẻ em. Tôi thường chọn mua các sản phẩm “Made in Việt Nam” cho cả gia đình, từ áo ấm, áo pull, quần jean đến các loại mũ, túi xách và giày dép”, chị Nguyễn Thị Nhi trú ở Khu vực 7, phường Thủy Xuân, TP Huế cho hay.
Siêu thị Co.opMart Huế kích cầu tiêu dùng hàng Việt bằng cách đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách
|
Tại tuyến phố Trần Hưng Đạo, chưa đầy nửa cây số nhưng có gần chục cửa hàng kinh doanh sản phẩm “The North Face” do DN trong nước sản xuất như áo khoác, ba lô, túi xách, mũ, đồ thể thao dành cho người lớn và trẻ em. Vào mùa đông, đoạn đường này lúc nào cũng tấp nập và đông nghịt khách. “Trước đây chị bán các sản phẩm The North Face ở Shop MZ, song do nhu cầu mua sắm sản phẩm này tăng cao, những ngày thời tiết lạnh nhiều lượng khách đến chọn hàng chật cứng và không đáp ứng đủ nên năm nay đầu tư thêm shop mới hiệu ZM tại 79 Trần Hưng Đạo để đáp ứng nhu cầu của khách. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 40-50 sản phẩm, doanh số bán hàng đạt trên 20 triệu đồng, trong đó số lượng khách du lịch mua sản phẩm này tương đối đông”, chị Mỹ Lan, Chủ shop ZM cho biết.
Tại hai siêu thị lớn là Big C và Co.opMart, số lượng hàng Việt chiếm trên 95%, trong đó DN đã liên kết với các nhà sản xuất trong nước để triển khai các chương trình khuyến mại lớn như “Tự hào hàng Việt”, “Mua hàng Việt nhận quà đặc biệt”, đồng thời liên kết sản xuất các sản phẩm mang “nhãn hàng riêng” giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại từ 10-30%, song chất lượng không đổi nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có cơ hội mua sắm. Một số nhãn hàng riêng như Wow, Big C, Co.opMart tiêu thụ mạnh, chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng tại các đơn vị này. “Hưởng ứng CVĐ NVNƯTDHVN, đồng thời kích cầu tiêu dùng hàng Việt, nhiều năm qua chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá các lợi ích cũng như chất lượng đối với các sản phẩm sản xuất trong nước, thường xuyên tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn để phục vụ người dân và xem đây là nhiệm vụ chính trị của DN nhằm đẩy mạnh CVĐ và kích cầu tiêu dùng hàng Việt”, anh Đặng Tứ Minh Sang, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế khẳng định.
Nâng cao trách nhiệm các DN và người tiêu dùng
Qua 5 năm phát động, các DN, cơ sở kinh doanh và sản xuất trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia CVĐ bằng việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trên thị trường, đồng thời cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Theo thống kê, sau 5 năm đã có 55 DN tổ chức hàng trăm đợt đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp với trên 130 ngàn lượt người đến mua sắm, doanh số bán hàng đạt 20 tỷ đồng.
Cùng với kích cầu tiêu dùng hàng Việt, các DN tổ chức 142 chương trình khuyến mại mang tính may rủi với tổng giải thưởng trao tay người tiêu dùng chiếm gần 13 tỷ đồng; 5 chương trình “Tháng bán hàng khuyến mại” được tổ chức thu hút trên 500 DN tham gia, tổng số hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trao tay người tiêu dùng đạt gần 75 tỷ đồng. Mặt khác, 7 hội chợ chuyên bán hàng Việt tổ chức tại địa bàn TP Huế với sự tham gia của 1.425 DN tham gia, thu hút 600 ngàn lượt người đến mua sắm và doanh số bán hàng đạt trên 100 tỷ đồng.
|
Theo ông Võ Văn Chinh, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban chỉ đạo (BCĐ) CVĐ NVNƯTDHVN, Phó Chủ tịch Thường trực UBMT tỉnh, để CVĐ tiếp tục được triển khai hiệu qủa và lâu dài, sắp tới BCĐ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện tại các DN, địa phương và các chợ trên địa bàn tỉnh. Dự kiến ngày 15/10 sẽ tiến hành kiểm tra tại Siêu thị Big C Huế, ngày 22/10 tại thị xã Hương Thủy và cuối tháng 10 sẽ tổng kiểm tra tại chợ Đông Ba. Mặt khác, BCĐ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CBCNV và người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã các sản phẩm mang thương hiệu Việt, đặc biệt là hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, thông qua các nguồn vốn của chương trình khuyến công, sở đã hỗ trợ 1,32 tỷ đồng cho các DN đầu tư thiết bị mới cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, đồng thời đầu tư 4,2 tỷ đồng thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, thường xuyên quán triệt và vận động các DN thụ hưởng các đề án khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn ưu tiên mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất bằng sản phẩm trong nước.”
Hiện, BCĐ CVĐ đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng chiến lược hành động “NVNƯTDHVN” đến năm 2020, đồng thời rà soát và ban hành chính sách khuyến khích sản xuất ở địa phương; hướng dẫn nhận diện, phân biệt hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh CVĐ, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các DN và người tiêu dùng trong vấn đề tiêu dùng hàng Việt.
Bài, ảnh: Thanh Hương