Xăng dầu là một trong những hàn thử biểu của nền kinh tế. Xăng tăng giá tức là nhu cầu tiêu thụ nhiều, hạ giá, tức là tiêu thụ ít. Cũng có những ngoại lệ nhưng điều này là rất ít, ví dụ như chiến tranh cũng tác động làm giá xăng tăng nhưng chưa hẳn nhu cầu của nền kinh tế đã tăng. Hoặc là, nhiều nước tăng sản lượng khai thác hoặc là trên thế giới có nhiều giếng dầu mới với trữ lượng cao đưa vào khai thác. Trong tình hình hiện nay, giá xăng dầu hạ, chắc hẳn là do tác động chính yếu của dịch COVID-19.

Đến thời điểm này, giá xăng bán ra đã hạ đến 2.300/lít, tính ra tỷ lệ đến mười mấy phần trăm là một con số đáng kể. Ở đây chúng ta thấy nhu cầu lưu thông, mà lưu thông hàng hóa chủ yếu đã giảm mạnh.

Trong một cuộc họp tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch của Thừa Thiên Huế mới đây, một dự báo được đưa ra, nền kinh tế của tỉnh có thể giảm đến 0,7% so với kế hoạch. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì chưa biết con số dự báo này đã là con số cuối cùng?

Trên thế giới cũng như trong nước, giờ là lúc, nhiều nước công bố gói tài trợ kích thích cho nền kinh tế.

Mỹ vừa công bố gói kích thích nền kinh tế lớn số một thế giới lên đến 1.000 tỷ USD. Gói kích thích này nhắm vào cả hỗ doanh nghiệp và người dân, tức là kích thích cả phía cung lẫn phía cầu.

Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã công bố gói kích thích kinh tế lên đến 285.000 tỷ đồng, tương tự như Mỹ, cũng nhắm vào cả phía cung lẫn phía cầu. Chẳng hạn như chính sách giãn thu bảo hiểm xã hội. Giãn thu sẽ giúp cho doanh nghiệp có điều kiện về tài chính duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tạm ngưng hoặc sa thải lao động. Cái lợi của người lao động đó là duy trì được công ăn việc làm, có nguồn thu nhập để chi tiêu. Hệ thống ngân hàng cũng đã bắt đầu chính sách giảm lãi suất cho vay, tính toán giãn nợ cho doanh nghiệp.

Ở tỉnh ta, cũng trong cuộc họp bàn biện phát kích thích phát triển kinh tế nêu trên, tỉnh đã tính đến giải pháp tiết kiệm chi tiêu thường xuyên như thế nào cho phù hợp; tính đến giải pháp đẩy mạnh đầu tư công lành mạnh. Vấn đề là ngân sách của tỉnh không phải dồi dào cho nên, đầu tư như thế nào cho hợp lý, hiệu quả là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay.

Đối với Thừa Thiên Huế, có một cái khó riêng nữa là đang trong giai đoạn khởi động nhiều dự án lớn, trong đó quan trọng là các chương trình phát triển đô thị, chương trình di dời dân và tái định cư người dân Thượng thành Huế. Những dự án này cần một lượng kinh phí rất lớn. Để các dự án không bị ảnh hưởng hoặc hạn chế sự ảnh hưởng cũng là một phép tính.

Khi chưa diễn ra dịch bệnh, tỉnh đã kêu gọi đầu tư thành công nhiều dự án quy mô lớn. Thúc đẩy mạnh các dự án này cũng được xem như là “một gói kích thích” kinh tế của tỉnh. Các dự án triển khai sẽ tạo ra công ăn việc làm và kích hoạt cho nhiều thị trường phát triển trong và sau dịch bệnh.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 không biết kéo dài trong bao lâu, di hại của nó để lại với các nền kinh tế như thế nào... Song dịch bệnh bao giờ cũng có tính chu kỳ. Chúng ta xem xét càng kỹ càng, hợp lý, phát huy tối đa mọi yếu tố kích thích phát triển kinh tế… thì nền kinh tế càng nhanh phục hồi và tăng trưởng.

LÊ PHƯƠNG