Tuyên dương học sinh đoạt giải quốc gia

Cặp đôi vàng & Hồ Việt Đức

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019 - 2020, đội tuyển Thừa Thiên Huế có 52/75 học sinh tham gia dự thi đoạt giải, trong đó, có ba giải nhất ; 13 giải nhì; 18 giải ba và 18 giải khuyến khích. Nét lạ không phải toàn bộ đội tuyển đều là học sinh của Trường THPT chuyên Quốc Học mà là sự xuất sắc của đội tuyển vật lý với cặp sinh đôi Tống Phước Thanh An, Tống Phước Thanh Bình cùng đoạt huy chương vàng và Hồ Việt Đức với tấm huy chương vàng còn lại ở bộ môn sinh học.

Hai anh em Thanh Bình và Thanh An đã có hai năm liên tiếp giành giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2018 - 2019, Thanh Bình đạt giải nhất và Thanh An đoạt giải nhì quốc gia môn vật lý. Đến năm học này, cả hai anh em đều đoạt giải nhất với số điểm thi khá cao. Bình đạt 25,6 điểm xếp thứ 2 và An được 23,6 xếp thứ 8 toàn quốc.

Cũng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020, đội tuyển môn vật lý Trường THPT chuyên Quốc Học có 8 em đi thi đều có giải (đạt tỷ lệ 100%). Đội tuyển vật lý có đến 4 học sinh là Thanh Bình, Thanh An, Phan Văn Long và Lê Công Minh Hiếu (đoạt huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á 2019, được đặc cách) tiếp tục vào vòng 2 tham gia đội dự tuyển Olympic Quốc tế vào tháng 3/2020. Một giấc mơ đẹp cho đội tuyển học sinh giỏi môn vật lý.

Năm học 2018 - 2019, đang học 11, Đức đã giành giải nhất lớp 12 cấp tỉnh và giải nhì Quốc gia môn sinh học. Đặc biệt, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020, với số điểm 35,35, Hồ Việt Đức đã mang niềm tự hào về cho giáo dục Thừa Thiên Huế với giải nhất môn sinh học. Đức còn là Á quân của “Nguyệt quế đỏ”, chương trình do Đoàn Trường THPT chuyên Quốc Học kết hợp cựu học sinh nhà trường tổ chức.

Trò giỏi & vai trò của người thầy

Kỳ thi học sinh giỏi năm học 2019-2020 cho thấy, chất lượng học sinh giỏi ở Thừa Thiên Huế đã được cải thiện khi số học sinh đạt giải cao tăng hơn so với năm trước. Hiện nay, Trường THPT chuyên Quốc Học đứng thứ 15/63 tỉnh, thành. Ở miền Trung đứng thứ 3, sau Hà Tĩnh và Nghệ An.

Hai anh em sinh đôi, Thanh Bình và Thanh An, cùng tham gia một kỳ thi và cùng đạt giải nhất là trường hợp hy hữu. Ngay từ nhỏ, hai anh em đã có niềm đam mê môn vật lý, thích khám phá các hiện tượng trong tự nhiên, nghiên cứu về máy móc, công nghệ. Còn với Hồ Việt Đức là học lớp chuyên sinh, nhưng không bao giờ có tư tưởng học lệch. Em luôn biết cách làm giàu tri thức cho bản thân trên nhiều lĩnh vực. Cả ba có thành tích học tập toàn diện, luôn đạt học sinh giỏi.

Nhớ đến Lê Công Minh Hiếu, nhiều người vẫn cho rằng thầy giáo Quốc Anh “bắt bệnh” tốt. Hiếu học rất giỏi, nhưng đi thi tâm lý không ổn định nên đoạt giải không cao. Thầy Anh phát hiện, em thiếu kỹ năng nên vận dụng kiến thức vào bài thi không chuẩn. Thầy trò đã có những ngày tháng miệt mài và Hiếu được rèn luyện cách làm bài thi nhiều hơn, còn thầy chỉ ra những lỗi sai của trò để khắc phục. Cậu bé Hiếu ngày nào không còn bị ám ảnh bởi câu “học tài thi phận”.

Trường THPT chuyên Quốc Học có 140 giáo viên; trong đó, có đến 82 thạc sĩ. Đa phần giáo viên tuổi đời còn trẻ. Họ có “đầu vào” tốt, có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi. Đánh giá về đội ngũ này, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Nguyễn Phú Thọ cho rằng: Nhiệt tình, đam mê tìm tòi kiến thức, tài liệu nghiên cứu và giảng dạy để đào sâu bài giảng, họ là những giáo viên có năng lực, nhiệt huyết với học trò. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian để nâng cao nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm.

Muốn quả ngọt, phải biết chăm cây

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo khẳng định, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn được tỉnh triển khai từ tiểu học đến trung học phổ thông nhằm tìm tòi, phát hiện học sinh có năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Ngay từ khi học sinh bước vào lớp đầu cấp, các trường đã chỉ đạo cho giáo viên phát hiện kịp thời những học sinh có năng lực để có hướng bồi dưỡng phù hợp với điều kiện. Đồng thời tổ chức các kỳ thi, hội thi kiểm tra để học sinh cọ sát, đánh giá thực chất, điều chỉnh việc dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2018 - 2019, dưới sự chỉ đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo, gần đây, Trường THPT chuyên Quốc Học đã mời thầy giỏi ở nhiều địa phương để về ôn luyện cho các em học sinh giỏi. Công tác xã hội hóa cũng đã được huy động để tập trung nguồn lực cho các em “cơm đùm, gạo bới” ra Hà Nội luyện thi vào các vòng loại quốc tế. Năm nay, nhà trường còn gửi mua được nhiều tài liệu ở nước ngoài phục vụ một số môn khả năng thi quốc tế.

Vấn đề lâu dài đặt ra là đội ngũ giáo viên. Nhiều năm qua, phần lớn học sinh giỏi khi ra trường không chọn ngành sư phạm theo học là khó khăn của nhà trường khi tuyển chọn đội ngũ giáo viên. Mong muốn của Quốc Học là có nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, quốc tế các môn khoa học tự nhiên đăng ký học ngành sư phạm để bổ sung đội ngũ giáo viên dạy chuyên. Dạy học sinh chuyên vất vả và áp lực, nhưng chính sách ưu đãi dành cho giáo viên theo quy định của Nhà nước đang rất thấp. So với các tỉnh bạn, chế độ ưu đãi cho giáo viên dạy chuyên ở Thừa Thiên Huế còn quá khiêm tốn khi chưa có sự hỗ trợ từ công tác xã hội hóa.

Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ cho biết, một số chính sách khuyến khích dành cho giáo viên được triển khai. Ví như, để nâng cao trình độ, những giáo viên được đưa vào quy hoạch sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo quy định của tỉnh. Mỗi năm, có từ 5 đến 7 giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học theo học thạc sĩ. Một số giáo viên tự tìm nguồn học bổng ở nước ngoài để nâng cao trình độ khi một số môn học yêu cầu giảng dạy bằng tiếng Anh. Mặt khác, để nâng cao chất lượng đội ngũ, hướng đến của nhà trường là tìm những giáo viên có năng lực từ các trường để đề xuất với sở tuyển dụng.

Bài, ảnh: HUẾ THU