Một trong những nguyên nhân chính được tổ chức này chỉ ra là có khoảng 20% lao động Việt Nam được qua đào tạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, còn lại là lao động phổ thông, lao động trình độ thấp.

Điều này cũng dễ hiểu khi Việt Nam đi lên từ một nền nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua thời gian dài chiến tranh. Tâm lý “nhất học hay, nhì cày giỏi” còn nặng trong suy nghĩ của một số gia đình nông dân.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách về CNH, HĐH và đã thu được những kết quả lớn. Nhiều khu công nghiệp mọc lên ở khắp các tỉnh thành. Tỷ lệ lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy không ngừng tăng. Nhiều phương tiện, máy móc đã dần thay thế cho lao động chân tay, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc. Nghề làm bún làng Ô Sa (Quảng Điền) là một ví dụ. Trước đây, muốn cho ra được một mẻ bún 50kg, người thợ phải thức hôm dậy sớm mất 3 ngày. Nay, nhờ đầu tư công nghệ dây chuyền sản xuất, chỉ trong 1 ngày là có thể cho ra hàng tấn bún, cung ứng cho thị trường. Hoặc như máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa. Nếu như trước đây thu hoạch 1 sào ruộng, ít nhất phải có 3 nông dân lực lưỡng, cật lực trong 1 ngày mới hoàn thành; thì nay chỉ cần 15 phút, và 1 người điều khiển, máy gặt đập liên hợp thu hoạch hoàn tất…
Có thể nhận thấy, máy móc đã thay thế nhiều sức lao động, làm lao động bị dôi dư nhiều; trong lúc việc đào tạo, chuyển đổi ngành nghề dường như chưa theo kịp. Thêm vào đó, việc đào tạo trình độ đại học ồ ạt trong thời gian qua đã vượt quá nhu cầu cần thiết của xã hội; nảy sinh trình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như đã từng cảnh báo. Cử nhân không xin được việc làm đúng với chuyên ngành, dẫn đến hiệu quả công việc bị hạn chế. Thậm chí, có nhiều cử nhân phải khai lại trình độ phổ thông để được các công ty nhận vào làm công nhân; bởi nếu khai trình độ đại học sẽ không được nhận vì người sử dụng lao động sợ phải trả lương trình độ đại học theo quy định. Và khi đã chấp nhận vào làm công nhân thì rõ ràng, tay nghề của những “cử nhân” sẽ không bằng những người thợ được đào tạo ngay từ đầu…
Cho nên, việc quy hoạch, sắp xếp lao động; làm tốt công tác hướng nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo là điều rất cần thiết, để góp phần nâng cao năng suất lao động cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp trong thời buổi hiện nay!
Đặng Thành