Đảm bảo việc sinh hoạt, ăn uống, học tập cho các cháu tại cơ sở bảo trợ trong mùa dịch COVID-19
Lo cho cả tập thể
Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây, TP. Huế hiện có 25 em từ 26 tháng tuổi đến 20 tuổi (học đại học năm thứ 3) là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa đang được chăm sóc, nuôi dưỡng. Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây cho biết, ngoài việc chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, sinh hoạt đến việc học của các cháu, từ nhân viên đến lãnh đạo trung tâm phải chú ý đến việc vệ sinh, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, điều chỉnh bổ sung thêm chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng, thể dục thể thao, giúp các cháu đảm bảo sức khỏe phòng dịch COVID-19.
Từ 2 tháng nay, khi trường học các cấp đều cho nghỉ học, công việc của các cô ở trung tâm nặng nề hơn, vừa phòng dịch, vừa phải tăng thời gian trông nom việc ăn, sinh hoạt, việc học của các cháu. Hiện, có 3 cháu đang theo học đại học, 1 cháu lớp 12, 1 cháu lớp 9 được trung tâm bố trí máy tính, laptop để theo học trực tuyến qua online. Số cháu còn lại được các cô đến tận trường để nhận bài tập về làm.
Tại Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc người có công, đơn vị chú trọng tăng cường chăm sóc y tế, tiến hành khử trùng tại trung tâm và thực hiện đúng, đầy đủ các hướng dẫn của cơ quan y tế về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thời gian này, đơn vị cho tạm dừng tổ chức các đoàn đi tham quan, điều dưỡng phục hồi sức khỏe luân phiên theo quy định nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người có công.
Bảo vệ sức khỏe chung
Toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 1.560 đối tượng. Trong đó có 390 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi; 56 người cao tuổi; 965 người khuyết tật; 140 đối tượng khó khăn khác.
Theo ông Đinh Mẫn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở Lao động - Thương binh và xã hội, do dịch COVID-19, hiện có 8/23 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng bán trú đã cho đối tượng trở về đoàn tụ với gia đình. Còn lại 15 cơ sở vẫn đang chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bình thường, nhưng chú trọng hơn trong khâu sinh hoạt, ăn uống để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Đối với các em đang nghỉ học được sắp xếp thời gian biểu sinh hoạt, học tập khoa học; đồng thời hướng dẫn các cháu lớp 9 và 12 học qua truyền hình để kịp cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội đang hoạt động trong mùa dịch, tại mỗi đơn vị đều chủ động liên hệ với cơ sở y tế trên địa bàn để tiến hành phun thuốc khử trùng, hướng dẫn các triệu chứng cũng như các giải pháp phòng chống dịch COVID-19; đồng thời thường xuyên lau chùi phòng ăn, phòng ở, nhà vệ sinh và sàn nhà sạch sẻ, trang bị xà phòng, nước rửa tay cho đối tượng; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm để tăng cường sức khỏe cho đối tượng.
Ngay khi có dịch, Sở LĐTB&XH đã vận động Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) xem xét, hỗ trợ dung dịch nước rửa tay cho 950 đối tượng là người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội và 13 tổ chức hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý, theo dõi mọi hoạt động, sức khỏe của cán bộ, nhân viên và người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở cũng tăng cường chú trọng hơn.
Bài, ảnh: MINH THƯƠNG