Buồng khử khuẩn toàn thân có cấu tạo khá đơn giản
Cộng đồng quan tâm
Đưa vào sử dụng từ 19/3, buồng khử khuẩn toàn thân của anh Trần Minh Quang, (thôn Phú Thê, xã Phú Dương, Phú Vang) nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Mong muốn của anh Quang là chung tay phòng chống dịch COVID-19, vì vậy, buồng sát khuẩn được anh làm miễn phí cho người dân sử dụng.
Anh Quang cho biết, người dùng chỉ cần bước vào buồng, cảm biến hồng ngoại sẽ kích hoạt hệ thống phun sương. Máy bơm tăng áp được lắp bên trong sẽ đưa dung dịch (DD) nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) qua vòi phun tự động phun toàn thân trong 6s là xong.
Bà Phan Thị Bật ở thôn Phò An, xã Phú Dương vui mừng: “Nghe nói máy có thể sát khuẩn toàn thân nên rất yên tâm. Hàng ngày tôi đều đi qua đây nên có thể vào sử dụng thường xuyên để diệt khuẩn”.
Hiện anh Quang đã lắp đặt 5 buồng khử khuẩn toàn thân ở các chốt kiểm soát y tế, khu vực cách ly của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và đang chuẩn bị lắp đặt thêm.
Ngoài buồng đầu tiên anh Quang làm miễn phí, số còn lại anh kêu gọi ủng hộ và giúp một phần, cùng hỗ trợ từ phía tỉnh.
Sử dụng nước muối sinh lý đổ vào bình để phun trực tiếp lên người
Tại thị xã Hương Thuỷ, anh Phạm Phước Thắng, ở Tổ 6, phường Thuỷ Lương là người đầu tiên sản xuất buồng sát khuẩn toàn thân tự động lắp đặt cho các xã, phường trên địa bàn.
Anh Thắng cho biết đến thời điểm này, anh đã lắp được 3 buồng cho các đơn vị dùng thử và còn 15 đơn đặt hàng đang chuẩn bị lắp đặt, bàn giao cho các địa phương trong thời gian tới.
Với mục đích giúp đỡ cho cộng đồng trong giai đoạn dịch bệnh, buồng sát khuẩn toàn thân tự động được anh Thắng sản xuất có kinh phí khoảng 6 triệu đồng.
Về DD phun, Thắng cho biết anh không cung cấp. “Mình tư vấn cho các đơn vị dùng Cloramin B hoặc DD sở Y tế đang sử dụng hay do trường CĐ Công nghiệp sản xuất”.
Ông Lê Viết Bắc, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin: ở Huế, DD hiện sử dụng tại các buồng khử khuẩn là Natri Clorid 0,9% nhưng tác dụng ra sao, hiệu quả thế nào thì phải chờ. Vì “Hội đồng khoa học đang nghiên cứu để có kết luận cuối cùng”.
Khuyến cáo
Trên cả nước, thời gian qua, buồng khử khuẩn toàn thân với mục đích giúp cộng đồng phòng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cũng được nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, đặt tại nhiều điểm công cộng cung cấp miễn phí cho người dân.
Theo PGS.TS Trần Đình Bình, Phó trưởng Bộ môn Vi sinh, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Giám đốc Trung tâm Gamma Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế, nếu sử dụng nước muối sinh lý 0,9% thì phương án tối ưu của nó là phương pháp điện hoá.
Nhiều người dân háo hức với buồng khử khuẩn toàn thân thời gian qua
Trong buồng phải có hệ thống máy xử lý bằng điện và các điện cực để chuyển DD thành ion. Các ion mới có tác dụng oxy hoá để loại bỏ vi sinh vật
“Như vậy, khả năng khử khuẩn trên bề mặt của nó rất yếu hoặc cơ bản là không có. Dẫu có điện hoá đi nữa nhưng thời gian 6- 30s thì không kịp tác động. Dùng Natri Clorid để khử khuẩn toàn thân là hiểu sai về tác động chuyên môn”, thầy Bình nói.
Khi được hỏi, liệu có thể thay thế bằng dung dịch khác, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết có thể oxy già 10% hoặc Nano bạc. “Đó là những thứ an toàn với cơ thể”.
“Nhưng nếu dùng Nano bạc, phải có chuyên gia y tế pha chế và phương tiện sử dụng khác chứ không phải buồng khử khuẩn hiện có. Vì vậy, khó phù hợp với cộng đồng. Mặt khác Nano bạc rất đắt và dùng nó trong 30s thì tác dụng cơ bản cũng chưa có.
Với oxy già, do thời gian phân huỷ rất nhanh dưới ánh sáng mặt trời, nên chỉ sau vài phút đã mất tác dụng.
Cloramin B thì tuyệt đối không sử dụng để phun trực tiếp lên cơ thể người vì rất độc. Chỉ sử dụng cho các bề mặt, dụng cụ, phương tiện và đòi hỏi có nồng độ nhất định, trong thời gian dài”, thầy Bình lưu ý.
Theo Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, ở các nước tiên tiến, điều kiện tốt hơn cũng không ai sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân. “Vì nó tạo nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, cảm giác an toàn giả tạo với người khác và về mặt chuyên môn là không phát huy tác dụng”, PGS.TS Trần Đình Bình nói.
Không nên sử dụng: Ngày 26/3, Bộ Y tế đã có khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân di động để phòng chống COVID-19 do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng. |
Bài, ảnh: Vi Quân