Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra tình hình sản suất kinh doanh tại Công ty CP Dệt may Huế

Quý 1/2020 thiệt hại trên 1.700 tỷ đồng

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 3 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều chịu tác động của dịch bệnh, trong đó, một số ngành chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ như: du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu,... Dự ước thiệt hại quý I/2020 trên 1.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đang chịu ảnh hưởng kép do tác động chính sách và thiệt hại dịch bệnh gây ra, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như: Bia do tác động của Nghị định 100/NĐ-CP, điện thiếu hụt do hạn hán, dệt may giảm do thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và các chi phí phòng dịch phát sinh.

Nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao trong giai đoạn này bị tạm dừng. Chương trình lễ hội Festival Huế lần thứ XI - năm 2020 với chủ đề “Di sản Văn hoá với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới” đã được chuyển thời gian tổ chức vào ngày 28/8- 2/9/2020.

Chống dịch là ưu tiên số 1

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu kết luận tại phiên họp

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống Nhân dân.

“Trong giai đoạn hiện nay, chống dịch là ưu tiên số 1 để đảm bảo sức khỏe toàn dân. Cùng với đó, chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế mức ảnh hưởng thấp nhất do dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, xây dựng kịch bản về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19. Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% số kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

“Cùng với đó, có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai thực hiện. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài; triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, sớm thực hiện việc gia hạn, giảm thuế, phí liên quan cho doanh nghiệp, hỗ trợ các sản phẩm trong nước, xúc tiến và mở rộng các thị trường xuất khẩu”- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo điều chỉnh, cơ cấu lại nguồn thu, chi ngân sách. Giảm bớt những cuộc họp không cần thiết, tăng cường họp trực tuyến từ tỉnh đến huyện để tiết kiệm chi phí. Thực hiện tiết kiệm thêm 5% chi thường xuyên. Không bổ sung chi thường xuyên, trừ trường hợp đặc biệt. Chuẩn bị xây dựng các kịch bản khi nguồn thu ngân sách nhà nước không đảm bảo do dịch COVID-19 gây ra theo thứ tự ưu tiên.

Có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương và các Hiệp hội trên địa bàn tỉnh sát cánh cùng doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hợp tác cung cấp các sản phẩm mang tính kết hợp, hỗ trợ đặc biệt 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu tập trung rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án chuyển tiếp phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất và các dự án cấp thiết trong nguồn lực có hạn. Rà soát lại mức độ cần thiết dự án vốn ngân sách địa phương khởi công mới năm 2020. Giám sát đặc biệt, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Tiếp tục ưu tiên, đảm bảo các nguồn lực phục vụ các dự án trọng điểm, huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển.

Các sở, ban ngành, địa phương và các hiệp hội trên địa bàn tỉnh sát cánh cùng doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hợp tác cung cấp các sản phẩm mang tính kết hợp, hỗ trợ đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà hàng, vận tải… Các ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng các gói kích cầu du lịch để triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục phát triển ngành du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; trước mắt, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế để xem xét, đề xuất gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm kích thích tăng trưởng vào thời điểm phù hợp. Triển khai các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân, nhất là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng do Nhà nước định giá, đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp; bảo đảm cung ứng đủ lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Bài, ảnh: Thái Bình