Hàng nghìn con vịt tồn đọng không bán được của nông dân được "giải cứu"
“Cứu” nông sản tồn đọng
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID -19, một số nông sản trên địa bàn huyện Phong Điền không tiêu thụ được hoặc bị tư thương ép thu mua giá thấp. Qua rà soát, hiện trên địa bàn huyện này còn tồn số lượng khoảng 20.000 con vịt thịt tại các xã Phong Chương, Điền Hòa, Điền Hương…đã đến thời kỳ xuất chuồng; nếu không kịp thời thu hoạch, các hộ chăn nuôi có nguy cơ lỗ nặng do phải tiếp tục cung cấp thức ăn hằng ngày để duy trì đàn vịt (chi phí khoảng 5 triệu đồng/4.000 con/ngày).
UBND huyện Phong Điền đã có công văn số 340/UBND-VP về việc giúp người dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, trong đó yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành đóng trên địa bàn huyện, UBND các xã, thị trấn, các trường học vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị mình chia sẻ, tiêu thụ giúp người dân số lượng vịt đang tồn đọng, tối thiểu 2 con/người (theo đơn giá 75 ngàn đồng/con).
Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết: “Ngay sau khi có công văn về việc “giải cứu” vịt cho bà con nông dân của UBND huyện, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn đã đăng ký để được chung tay giúp đỡ cho các hộ chăn nuôi. Đây cũng là dịp các đơn vị được tiếp cận nguồn thực phẩm sạch. Riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của huyện đã đăng ký thu mua 6.700 con. Đến ngày 27/3, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với các chủ trang trại để thu mua và vận chuyển lên cung cấp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện với số lượng 6.700 con”.
Hiện trên địa bàn tỉnh tồn đọng khoảng 42 nghìn con vịt
Tại huyện Quảng Điền, theo thống kê của Phòng NN & PTNT, trên địa bàn huyện còn tồn đọng khoảng 25 nghìn con gà, 4 nghìn con vịt, 23 tấn cá diêu hồng và khoảng 3 tấn rau má/ngày chưa tiêu thụ được. Số gia cầm tồn đọng chủ yếu tập trung ở 16 trang trại trên vùng rú cát Quảng Vinh, Quảng Lợi. Hiện nay, các chủ trang trại đang rơi vào tình cảnh khó khăn do nguồn nông sản ứ đọng và phải bỏ ra chi phí lớn thức ăn để duy trì trong khi số gia cầm đã đến tuổi xuất bán.
Trước khó khăn của nông dân, UBND huyện đã huy động các tổ chức đoàn thể và các cơ quan vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động chung tay tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại địa phương này. Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, ngành chức năng đã giúp nông dân “giải cứu” được khoảng 1.000 con gà, vịt; 5 tạ rau; 2 tạ diêu hồng. Ngoài ra, Phòng NN&PTNT huyện đã liên kết với công ty TNHH MTV Chăn nuôi Quốc Trung giúp người dân tiêu thụ số gà tồn đọng trong các trang trại với công suất thu mua 200-300 con gà/ngày; HTX Quảng Thọ cũng đang liên kết với các doanh nghiệp, công ty trên trên địa bàn để giúp nông dân tiêu thụ số rau tồn đọng.
“Địa phương đang nỗ lực liên kết, kết nối doanh nghiệp để giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm gia cầm, thủy sản. Sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là một cách để góp phần giải tỏa bớt khó khăn với người chăn nuôi và khơi thông thị trường, qua đó giúp người dân sớm ổn định sản xuất”, ông Lự cho biết thêm.
Kết nối cung cầu sản phẩm
Các địa phương nghiên cứu tổ chức mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm nông, thủy sản
Theo Sở Công thương, nhằm tạo điều kiện cho người dân bán sản phẩm với giá cạnh tranh, trước mắt đơn vị này tập trung liên hệ với các tỉnh bạn, tìm hiểu và giới thiệu các đơn vị thu mua, chế biến có năng lực để kết nối cung cầu sản phẩm; đồng thời thông báo cho các chợ, siêu thị trên địa bàn biết để tiêu thụ nông, thủy sản cho người dân. Lâu dài, Sở Công thương cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương nghiên cứu tổ chức mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm nông, thủy sản tại các địa phương.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, khẳng định nhằm ứng phó với dịch COVID-19 tác động đến ngành nông nghiệp, đơn vị đã kịp thời thông báo tình hình sản xuất đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến các cá nhân, doanh nghiệp, HTX; tập trung hướng dẫn các chủ thể đủ điều kiện hưởng các chính sách hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ để tiến hành hỗ trợ kịp thời, góp phần tạo thêm động lực cho các cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường nông sản đang bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh COVID -19 gây ra.
Trước đó, UBND tỉnh có văn bản gửi các sở, ban ngành, đoàn thể về việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản. Theo đó, yêu cầu Sở Công thương làm đầu mối tiếp nhận các thông tin đăng ký của các cơ quan đơn vị phân phối của các mặt hàng nông, thủy sản; phối hợp với Hội Doanh nhân nữ tỉnh trong triển khai hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng đến với người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong kết nối tiêu thụ với các hệ thống siêu thị và các hệ thống phân phối lớn, triển khai bán hàng lưu động khi cần thiết.
Sở NN&PTNT rà soát các sản phẩm đã và đang đến kỳ thu hoạch để đề xuất lựa chọn phương án phân phối tiêu thụ giúp người dân; hỗ trợ hướng dẫn xây dựng kế hoạch tái sản xuất, đảm bảo không làm gián đoạn quá trình sản xuất và cung ứng.
Thận trọng tái đàn lợn Theo Sở NN&PTNT, tổng đàn lợn hiện có 137.830 con, trong đó lợn nái khoảng 16.500 con, cơ bản đáp ứng nhu cầu lợn giống cho các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học. Từ đầu năm đến nay, đã tái đàn khoảng 14.000 con. Trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 như hiện nay, một số hộ và trang trại chăn nuôi đã đầu tư nâng cấp chuồng theo hướng an toàn sinh học và đã từng bước tái đàn lợn; một số còn lại đang thận trọng tái đàn và chuyển sang nuôi động vật ăn cỏ. Hiện nay nhiều địa phương đang triển khai một số mô hình tái đàn lớn như mô hình 100 hộ nuôi lợn tập trung với quy mô 11.500-15.000 con lợn thịt; trại lợn hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm với quy mô nuôi 500 con tại Phong Điền, Quảng Điền. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên