Thú vui chăm chậu cá thủy sinh giữa mùa dịch

Dịch bệnh COVID - 19 đang bước vào thời kỳ cao điểm. Ngày 26/03/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản chỉ đạo việc tạm đóng cửa tất cả các quán cà phê, quán ăn, nhà hàng, điểm thể dục ngoài trời, du lịch cộng đồng...

Đối với những người đã quá quen với guồng quay đều đặn của công việc, ở nhà quá lâu dễ khiến họ sinh bức bối, buồn chán, thậm chí dẫn đến chứng trầm cảm nguy hiểm. Người dân linh động tìm cách giải trí tại nhà, có rất nhiều lựa chọn thú vị, như: xem phim, nghe nhạc, lướt web, đọc sách, làm bánh, viết văn, vẽ tranh, làm thơ, nấu ăn, chăm sóc thú cưng… Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một thú chơi tại gia vừa an toàn, mang tính thẩm mỹ cao lại giúp xả stress hiệu quả: chăm sóc hồ thủy sinh!

Việc tạo dựng một hồ thủy sinh khá đơn giản: một ít phân, sỏi nền, cây thủy sinh (rong, bèo…), thiết bị lọc, sục khí, hút cặn… và tất nhiên là một vài chú cá dễ thương. Người ta thường nói: “Nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng trí, nuôi cây dưỡng thần”. Ngắm đàn cá nhỏ bơi lội thong dong, nghe tiếng nước chảy róc rách nhịp nhàng, cảm nhận làn hơi ẩm mát lành đầy sức sống, tâm hồn bạn sẽ trở nên trong sáng và tĩnh lặng hơn giữa bộn bề lo toan mùa dịch.

Xét ở một khía cạnh tích cực, COVID là cơ hội để bạn tạm “cách ly” với đời sống hối hả ngoài xã hội để đi sâu vào thế giới nội tâm. Nuôi cá là một phương pháp thiền hành độc đáo. Bể thủy sinh tuy nhỏ nhưng hàm chứa cả vạn vật: đất, nước, cây cỏ, đá, sỏi, động vật, vi sinh vật,… và 5 yếu tố ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Để tâm quan sát bể kiếng, cũng như nhìn cuộc đời qua lăng kính nhỏ, bạn sẽ nhận ra quy luật vận hành của tự nhiên cũng như nhìn thấy chính mình bên trong thế giới bé nhỏ kia.

Chăm sóc cá cảnh giúp chúng ta hạn chế thời gian trên mạng xã hội: “Chợ” thông tin giả giả thật thật, tích cực có, tiêu cực có, đúng sai khó lòng phân minh. Đọc càng nhiều, càng thấy hoang mang và mất phương hướng. Tôi nghĩ, chỉ nên biết đủ, biết quá ít thì chủ quan, biết quá nhiều sẽ loạn trí, loạn tâm.

Dù đã đặt nhiều tâm huyết vào việc chăm sóc, một vài chú cá của tôi vẫn mắc bệnh và ra đi. Chú cá nhỏ dạy tôi một điều: Dịch bệnh là quy luật tất yếu của tự nhiên, chúng ta là một phần trong đó và chỉ có thể thay đổi chính mình để thích nghi với hoàn cảnh. Y học càng phát triển, nhưng những chủng virus mới càng phức tạp và nguy hiểm hơn. Con người rất thông minh, nhưng trí tuệ của thiên nhiên còn vĩ đại hơn gấp nhiều lần.

Hồ thủy sinh giúp bạn sẽ thấu suốt quy luật sàng lọc của tự nhiên. Những chú cá sống lâu là những chú cá “bơi ngược nước”. Chúng chắt chiu, đấu tranh cho từng miếng thức ăn, cố gắng thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt nhất. Cuối cùng, chúng là những con cá khỏe mạnh còn lại trong hồ, những người có cơ địa tốt sẽ phục hồi nhanh khi lỡ mắc bệnh.

Chăm sóc cá cảnh rèn luyện tính kiên trì và nhẫn nại. Bạn phải thay nước, cho cá ăn, tìm hiểu sự tương thích giữa các loài cá trong bể để chúng chung sống hòa thuận. Mọi thứ đều phải đúng bài bản, đúng thời điểm để bảo đảm môi trường sống ổn định cho cá. Cũng như việc rửa tay, đeo khẩu trang, phân loại cách ly giữa mùa dịch, tuy có vẻ dễ dàng nhưng không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn và trách nhiệm để thực hiện.

Nuôi cá khiến bạn nhạy cảm hơn với sự thay đổi của môi trường và cơ thể sống (cá). Bạn sẽ học được cách lắng nghe cơ thể mình để có sự thích ứng kịp thời. Về phương diện sức khỏe thể chất, bể cá mang lại không khí mát mẻ, dễ chịu cho ngôi nhà của bạn giữa ngày hè oi bức. Bể cá cung cấp cho bạn một lượng lớn hơi ẩm và giảm thiểu bụi bẩn trong không khí, giúp hệ hô hấp khỏe mạnh hơn để chống chọi với COVID - 19.

Các em học sinh phải “nghỉ dịch” dài ngày, nuôi cá cảnh là cách giáo dục trực quan cho các em về hệ sinh thái phong phú dưới nước, nâng cao tinh thần hiếu học, vun đắp tình yêu thiên nhiên và hoàn thiện nhân cách. Nuôi cá giúp các em cải thiện thị lực, hạn chế việc chơi game trên smartphone hay máy vi tính hàng giờ.

Kết thúc bài viết này, tôi xin chúc mọi người “bơi ngược dòng” thành công như những chú cá kiên cường nhé!

Bài, ảnh: THỤC ĐAN