Đôi vợ chồng ấy khi cưới nhau, cùng sống chung với bố mẹ chồng ở TP. Huế. Họ lần lượt sinh 2 con chung. Cuộc sống hôn nhân bắt đầu rạn nứt từ khi người chồng rượu chè, không chịu làm ăn, lại còn thường xuyên gây gổ, chửi mắng, đánh đập vợ.
Tình trạng đó kéo dài, khiến người vợ không chịu nổi, phải trở về nương nhờ nhà cha mẹ ở tỉnh Nghệ An. 2 con tạm thời ở lại với bố và ông bà nội. Sau khi có công việc ở Nghệ An, trong đơn xin ly hôn, người vợ yêu cầu được nuôi cả 2 con.
Thẩm phán giải quyết vụ án cho biết, đã khá bất ngờ khi buổi sáng hôm ấy, nguyên đơn được chính bố chồng đưa đến tòa án. Và thẩm phán thực sự xúc động khi người bố chồng này bật khóc, thừa nhận những điều sai trái của con trai mình.
Ông ấy bày tỏ, dù rất mong muốn vợ chồng con trai đoàn tụ, để các cháu nội ông có đủ cha đủ mẹ, có một gia đình trọn vẹn như bao đứa trẻ khác. Nhưng vì con trai ông không chịu “cải tà quy chính”, thì gia đình ông không thể ích kỷ mà làm khổ con dâu. Để con dâu thoát cảnh đau khổ và sau này có cơ hội tìm được hạnh phúc cùng một người đàn ông tốt. “Chúng tôi, những người làm công tác xét xử đã rất xúc động trước ứng xử của người bố chồng”- Thẩm phán bộc bạch.
Thực tế xét xử cho thấy, trong hầu hết các vụ án hôn nhân & gia đình, cha mẹ thường che giấu những thiếu sót, thậm chí bênh vực, dù con mình hành xử sai trái. Điều đó càng khiến mâu thuẫn giữa các bên đương sự, thậm chí giữa hai bên gia đình nội, ngoại càng thêm căng thẳng, khiến mối quan hệ sau ly hôn xấu đi, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống tinh thần những đứa trẻ.
“Trong vụ việc này, người bố chồng đã có cách hành xử rất đáng trân trọng. Quá trình con dâu ông phải về nhà cha mẹ ruột, mặc dù khoảng cách địa lý giữa Huế và Nghệ An khá xa xôi, nhưng ông vẫn thu xếp nhiều lần đưa 2 cháu nội ra Nghệ An, để mẹ con được đoàn tụ với nhau. Kính trọng bố chồng nên mỗi lúc ông nhớ cháu quá, người con dâu lại lặn lội đưa các con trở vào Huế, ở với ông bà. Điều đáng trân trọng hơn nữa là, khi con trai cố tình không đến theo giấy triệu tập của tòa án, người bố này đã thuyết phục đồng thời đích thân đưa con trai đến tòa, góp phần giúp vụ án tránh được trở ngại, kéo dài thời gian giải quyết ”- Thẩm phán kể.
Về con chung, tòa án công nhận sự thỏa thuận của hai bên đương sự, giao mỗi người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng 1 cháu. Người bố chồng trải lòng với con dâu, rằng ông tôn trọng thỏa thuận giữa 2 vợ chồng, tôn trọng quyết định của tòa án về vấn đề này. Nhưng do từ trước đến nay hai đứa cháu chưa bao giờ rời nhau, cũng thân thuộc trong ngôi nhà và tình yêu thương của ông bà nội. Do đó, người bố chồng mong muốn, trước mắt con dâu cứ để cả 2 cháu tại nhà nội, để 2 đứa có anh có em, ông sẽ chăm sóc tốt cho các cháu. Và ông sẽ thường xuyên đưa 2 cháu ra Nghệ An, để 3 mẹ con được gặp nhau, cho đến lúc 2 cháu trưởng thành hơn.
Nguyên đơn trong vụ án nói rằng, tuy vợ chồng ly hôn, nhưng chị mong muốn tình cảm giữa ông bà nội với các cháu, giữa ông bà nội và ông bà ngoại các cháu vẫn mãi mãi tốt đẹp. Đồng thời, rất hiểu tình cảm chân thành, cách hành xử nhân hậu của bố chồng từ trước đến nay, nên chị đã thuận lòng.
Quỳnh Anh