Chủ phương tiện làm thủ tục thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: MINH PHONG

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tất cả cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên tuyến biên giới đất liền giáp với Trung Quốc và một số cửa khẩu phụ, lối mở đều đã được thực hiện xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa và có kết quả khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn trên 1.000 xe hàng hóa, chủ yếu là nông sản đang tồn ở cửa khẩu, chờ làm thủ tục xuất khẩu.

Hàng hóa vẫn ùn ứ

Tính từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3-2020, có hơn 30.000 xe hàng các loại đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ. Các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh đều đã đẩy mạnh các biện pháp xuất khẩu hàng hóa, bố trí khu vực cách ly để giao nhận hàng, vừa bảo đảm mục tiêu thông quan nhanh vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, tại Lạng Sơn, bên cạnh các cửa khẩu có lượng xe hàng thông quan lớn như Hữu Nghị, Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa trong dịch Covid-19. Mỗi ngày trung bình xuất khẩu được 60-70 xe hàng qua cửa khẩu Chi Ma, lũy kế từ 26-2 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 36,7 triệu USD. Một số địa phương khác thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc như Lào Cai đạt hơn 10.665 xe; Quảng Ninh hơn 1.482 xe…

Dù vậy, do cả hai nước đều đang triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nên tiến độ thông quan hàng hóa khá chậm, dẫn đến ùn ứ. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trung bình mỗi ngày chỉ xuất khẩu hàng hóa từ 130-150 xe. Cửa khẩu Hữu Nghị dù được mở trở lại sớm nhất nhưng trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 600 xe hàng được làm thủ tục xuất khẩu. Tại cửa khẩu quốc tế số 2 Kim Thành (Lào Cai) có gần 300 xe hàng, chủ yếu là thanh long, dưa hấu đang chờ làm thủ tục thông quan.

Đẩy nhanh tiến độ thông quan

Để đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) trong dịch Covid-19, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết đơn vị thường xuyên kết nối, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để nâng cao năng lực giải quyết thủ tục thông quan. Theo ông Tường, mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ DN kết nối với đối tác, tạo thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đồng thời, hướng dẫn DN kê khai thủ tục hải quan và nhanh chóng xử lý vướng mắc, không để DN phải chịu thêm chi phí phát sinh trong quá trình làm thủ tục, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh.

Tại cửa khẩu quốc tế số 2 Kim Thành, ông Phạm Hùng, Phó Ban Quản lý cửa khẩu, cho rằng phía Việt Nam đang trao đổi với các cơ quan chức năng cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) để rút ngắn thời gian thông quan cho các phương tiện nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tạo điều kiện cho xe hàng và lái xe bảo hộ cẩn thận được nhập cảnh khu vực giáp biên giới để chuyển tải hàng mà không phải đổi người lái như trước.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, một số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam sẽ vào chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi năng lực thông quan của các cửa khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ nên hàng hóa có khả năng sẽ ùn ứ. Do đó, bộ đề nghị UBND các tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm trao đổi, thống nhất với các địa phương biên giới phía Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đồng thời bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.

Bộ Công Thương tiếp tục khuyến cáo DN chủ động theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu để có kế hoạch sản xuất, vận chuyển hàng hóa, tránh ùn ứ ở cửa khẩu gây thiệt hại. Đồng thời, thực hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, triển khai các quy định về truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với Trung Quốc.

Rơi vào tình trạng bị động

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đến nay vẫn chưa thật sự thông thoáng, ngày 29-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, nhìn nhận xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc gần đây hơi chậm. Giá thanh long ghi nhận tại địa phương trong ngày chỉ đạt 10.000 đồng/kg (ruột trắng) và 12.000-15.000 đồng/kg (ruột đỏ) theo dạng mua xô tại vườn. Với mức giá này, nông dân không có lãi vì hiện đang là thời điểm trái vụ. "Chúng tôi đang tìm cách đa dạng hóa khâu vận chuyển, tránh việc tập trung chở hàng container bằng đường bộ. Hướng mới của hiệp hội là tăng vận chuyển bằng đường sắt, đường biển. Trong đó, đường sắt được chú trọng do chở được nhiều hàng, mức cước thấp, thời gian thông quan nhanh. Dự kiến, ngày 30-3, hiệp hội sẽ làm việc với đơn vị vận chuyển đường sắt để bàn kế hoạch hợp tác nhằm đẩy nhanh sản lượng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc. Ngoài ra, hiệp hội đang xúc tiến mở một điểm giao dịch tại Cao Bằng dưới sự hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh Long An để thuận tiện cho việc giao dịch, điều tiết hàng hóa xuất khẩu, tránh tình trạng ùn ứ" - ông Trịnh thông tin.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại và Du lịch Suối Lớn (Đồng Nai), cho biết xoài đang vào vụ thu hoạch nhưng giá rất rẻ do bí đầu ra. "Hôm qua, thương lái mua hơn 20 tấn xoài đưa sang Trung Quốc, giá chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Do giá rẻ, đưa sang Trung Quốc bán sẽ lãi to nhưng lo ngại khó khăn trong vận chuyển nên thương lái chưa hẹn thời gian quay lại mua thêm" - ông Bảo nói.

Dù chỉ xuất mít tươi lẫn nông sản chế biến sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch, không bị ảnh hưởng bởi tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu nhưng ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, đánh giá thị trường Trung Quốc hiện hết sức khó đoán. "Thị trường Trung Quốc chưa thật sự trở lại ổn định nên rất khó đáp ứng. Lúc thì hối giao hàng giật ngược, lúc thì im hơi lặng tiếng, không chịu lấy hàng" - ông Viên nêu thực tế. Theo ông Viên, tình hình này rất khó bởi DN xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn bị động. "DN xuất khẩu hàng chế biến còn có thể sản xuất, lưu kho nhưng DN xuất khẩu nông sản tươi thì rất đau đầu" - ông Viên nói thêm.

Theo NLĐ