Một con phố tại thủ đô Rome, Italy giữa đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Một báo cáo từ Hội nghị LHQ về Thương mại, Đầu tư và Phát triển (UNCTAD) lưu ý rằng, hai phần ba dân số toàn cầu sống ở các quốc gia đang phát triển (trừ Trung Quốc) phải đối mặt với "thiệt hại kinh tế chưa từng có" từ cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

"Đây là một vấn đề cấp bách ngay lập tức đối với cộng đồng quốc tế trong việc phối hợp các gói giải cứu kinh tế phù hợp, với một phạm vi toàn cầu hơn để giải quyết khoảng cách tài chính đang hiện ra, mà nhiều quốc gia đang phát triển đang phải đứng trước nguy cơ đối mặt", báo cáo cho biết.

Trong 2 tháng kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lan rộng bên ngoài Trung Quốc, các quốc gia đang phát triển hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dòng vốn chảy ra bên ngoài, khấu hao tiền tệ và doanh thu xuất khẩu bị mất đi; đáng chú ý là vấn đề giá hàng hóa giảm và doanh thu du lịch thu hẹp.

UNCTAD nhận định, trong hầu hết các lĩnh vực, tác động được đánh giá là tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. "Suy thoái kinh tế từ cú sốc đang diễn ra và ngày càng khó dự đoán, nhưng có dấu hiệu rõ ràng rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều đối với các nền kinh tế đang phát triển, trước khi chúng trở nên tốt hơn", Tổng thư ký UNCTAD, ông Mukhisa Kituyi lưu ý trong một tuyên bố.

Báo cáo được công bố trong bối cảnh số trường hợp nhiễm bệnh đã tăng vọt vượt ngưỡng 700.000 người, với hơn 33.500 người tử vong và gần 3,4 tỷ người bị phong toả. Trong khi các cường quốc kinh tế hàng đầu đã tập hợp các gói giải cứu chưa từng có, UNCTAD nhấn mạnh rằng các quốc gia đang phát triển không có điều kiện làm điều đó.

"Thiếu năng lực tiền tệ, tài chính và hành chính để đối phó với cuộc khủng hoảng này, hậu quả của đại dịch y tế và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là thảm họa đối với nhiều quốc gia đang phát triển", UNCTAD cảnh báo.

Giám đốc bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD, ông Richard Kozul-Wright chỉ ra rằng, 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã "cam kết ​​sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn các công ty và hộ gia đình của họ bị mất thu nhập nặng nề. Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo G20 tuân thủ cam kết của họ về một phản ứng toàn cầu theo tinh thần đoàn kết, thì phải có hành động tương xứng cho 6 tỷ người sống bên ngoài các nền kinh tế G20 cốt lõi".

*Bộ trưởng Thương mại G20 thảo luận về tác động của COVID-19

Cũng trong ngày 30/3, các Bộ trưởng Thương mại của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã triệu tập một hội nghị trực tuyến bất thường nhằm đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với thương mại toàn cầu và thảo luận về việc hợp tác đối với các chuỗi cung ứng.

Trước đó, trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến được tổ chức hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo G20 đã cam kết bơm hơn 5 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu để hạn chế những thiệt hại về việc làm và thu nhập bởi COVID-19 và "làm mọi cách để vượt qua đại dịch".

Quốc vương Salman của Saudi Arabia, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của G20 năm nay cho hay, G20 phải gửi tín hiệu mạnh mẽ để khôi phục sự tin tưởng vào nền kinh tế toàn cầu bằng cách nối lại dòng hàng hóa và dịch vụ bình thường càng sớm càng tốt.

Được biết, hội nghị của các Bộ trưởng Thương mại G20 nhằm duy trì chuỗi cung ứng quốc tế bằng cách tạo điều kiện cho dòng hàng hóa và dịch vụ, trong bối cảnh những lo ngại về tình trạng thiếu hụt toàn cầu.

Trong khi đó, ông Yousef Al-Benyan, Tổng giám đốc điều hành công ty hóa dầu Saudi Arabia SABIC nói với Hãng thông tấn Reuters rằng, cuộc khủng hoảng COVID-19 chứng minh tầm quan trọng của thương mại xuyên biên giới, mà theo ông là sẽ rất quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế.

Bên cạnh các thành viên G20, đại diện của các cơ quan quốc tế bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng được mời tham dự hội nghị của các Bộ trưởng Thương mại, theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse & Reuters)